Môn khúc côn cầu trên băng ở Trung Quốc

  • William Ide

Một người trượt băng chơi khúc côn cầu trên một mặt hồ đóng băng ở Bắc Kinh, ngày 23 tháng 12, 2010 (ảnh tư liệu)

Khi nói đến các môn thể thao mà Trung Quốc chiếm ưu thế, chúng ta thường nghĩ ngay đến những môn như thể dục dụng cụ, cầu lông, điền kinh hay nhảy cầu. Thế còn môn khúc côn cầu trên băng thì sao? Môn đánh bóng trên băng này có thể sẽ không thu hút được sự hưởng ứng của công chúng mạnh mẽ như bóng đá hay bóng rổ, tuy nhiên số thiếu niên Trung Quốc tham gia học hỏi và luyện tập môn khúc côn cầu trên băng đang ngày càng tăng.

Sân băng Nestled trên tầng 4 của trung tâm thương mại khổng lồ trong khu đô thị mới ở tây bắc thủ đô Bắc Kinh là một trong số các sân trượt băng mới nhất của thành phố này. Sân Nestled còn là trung tâm khúc côn cầu trên băng dành cho thiếu niên và cầu thủ năng khiếu.

Mấy tuần lễ qua, hội Flying Tigers đã tổ chức trại hè cho các cầu thủ thiếu niên. Đa số các em là người Bắc Kinh, nhưng cũng có một số em đến từ những nơi rất xa như Hồng Kông và tỉnh Hắc Long Giang ở miền đông bắc.

Ông Kevin Masters là một trong số các huấn luyện viên đến từ Canada: "Môn khúc côn cầu mới khởi sự ở Trung Quốc, nơi mà môn này không phải là một thể thao được chú trọng. Tuy nhiên năng khiếu của các em ở đây tạo một ấn tượng mạnh cho tôi -- các em từ bốn, năm tuổi cho đến thiếu niên. Kỹ năng trượt băng và các năng khiếu cá nhân của các em hoàn toàn có thể sánh ngang với những gì tôi biết ở quê nhà Canada của tôi."

Và bất cứ chỗ nào có môn khúc côn cầu trên băng, một môn thể thao rất tốn kém về tiền bạc và thời gian, thì nơi đó luôn có các 'phụ huynh khúc côn cầu'.

Ông Zhou Jianwei có đứa con trai 8 tuổi là thủ thành. Ông Zhou nói: "Con trai tôi bắt đầu chơi môn khúc côn cầu trùng vào dịp cháu vừa xem phim hoạt hình Transformers. Lúc đó cháu thấy các thủ thành khúc côn cầu trông giống y hệt các nhân vật Transformers trong phim với các loại trang phục như vậy. Chính vì vậy mà cháu chọn vị trí thủ thành."

Ông Zhou cho biết rằng tại Trung Quốc, đa số các gia đình chỉ có một con, con trai của ông học nhiều thứ chứ không chỉ riêng thể thao.

Ông Zhou nói: "Nhiều trẻ em tại Trung Quốc thiếu khái niệm đồng đội, hay chung sức, và các em cũng không hiểu được là phải nỗ lực để đạt đến điều mình mong muốn bởi vì cha mẹ của các em đã lo hết mọi thứ cho các em rồi. Tuy nhiên kể từ khi con trai tôi bắt đầu chơi khúc côn cầu, cháu dần dần hiểu được thế nào là chung sức với đồng đội để đạt đến mục tiêu, và dần hiểu được ý nghĩa của việc con người phải nương tựa, giúp đỡ nhau để cùng đạt đến mục tiêu chung."

Các tỉnh có khí hậu lạnh hơn nằm ở miền đông bắc được xem là những nơi tập trung cho môn khúc côn cầu trên băng của Trung Quốc. Đa số cầu thủ trong các đội tuyển khúc côn cầu của Trung Quốc cũng xuất thân từ những nơi đó.

Ngày nay với việc có nhiều sân băng mới được xây dựng ở Bắc Kinh, xu hướng này đã bắt đầu có những thay đổi. Các nhà tổ chức địa phương của môn thể thao này ghi nhận rằng số cầu thủ khúc côn cầu U-16, tức từ 16 tuổi trở xuống, tại Bắc Kinh có phần chắc sẽ vượt số cầu thủ ở miền đông bắc nội trong một hay hai mùa giải tới.

Họ giải thích rằng lý do là các gia đình ở Bắc Kinh có điều kiện về tài chánh tốt hơn để cho con em chơi môn khúc côn cầu trên băng, một môn thể thao mắc tiền; bên cạnh đó nhiều môn thể thao khác đang được phát triển ở miền đông bắc cũng thu hút số người tham gia vào, làm giảm đi số người tham gia các môn thể thao trên băng .

Cô Cao Zhennan cho biết cha của cô thời niên thiếu ở miền đông bắc đã chơi môn khúc côn cầu, và giờ đây ông giúp khuyến khích cháu ngoại của ông bước vào môn này. Cô Cao nói rằng các bài học mà con của cô học từ khúc côn cầu còn mang nhiều giá trị cao hơn cả triển vọng được vào đội tuyển quốc gia, hay chỉ đơn thuần là để nâng cao kỹ năng thi đấu môn này.

Cô Cao nói: "Khúc côn cầu trên băng là môn thể thao đòi hỏi thể lực và tốc độ cao, và nó thật sự là môn thể thao rất vui. Nhưng quan trọng hơn như thế, cháu nhà tôi là con trai, và chúng tôi đưa cháu đến với môn thể thao này với hy vọng là nó sẽ giúp cho cháu can đảm hơn. Môn khúc côn cầu còn hấp dẫn ở chỗ nó giúp cho các cháu học cách chung sức với nhau, và tạo điều kiện cho các cháu kết bạn với nhau."

Em Charlie, 11 tuổi, chơi ở vị trí cánh phải. Em cho biết bạn Abiyasi của em đã giới thiệu và làm cho em thích môn khúc côn cầu cách đây khoảng một năm rưởi. Charlie nói rằng một lợi ích nữa mà thể thao mang lại là nó giúp em tránh bớt các trò chơi điện tử.

Ông Mark Simon, phó chủ tịch và là huấn luyện viên trưởng của Câu lạc bộ Khúc côn cầu Bắc Kinh Imperial Guard, một trong các đội thành viên của Hiệp hội Khúc côn cầu Thiếu niên Bắc Kinh, nói rằng số đội tham gia giải của hiệp hội đã tăng lên trong những năm gần đây.

Ông Simon cho biết: "Nhóm của chúng tôi, gồm câu lạc bộ của chúng tôi, và vài câu lạc bộ khác, đã lập ra giải đấu của hiệp hội này vào năm 2008 và 2009 với 4 đội tham gia, và có khoảng 50 đến 60 cầu thủ. Còn hiện nay, ở mùa giải 2010-2011, chúng tôi có đến 25 đội tham gia, với khoảng 300 đến 350 cầu thủ."

Ông Simon là một cựu giới chức ngân hàng ở thành phố Montreal của Canada. Ông đã chơi môn khúc côn cầu từ lúc lên 5 tuổi. Ông đã bỏ lại mọi dụng cụ chơi môn này ở quê nhà khi ông mới chuyển sang Trung Quốc. Vài năm sau đó, ông đã làm việc cho một công ty chuyên xây sân băng tại châu Á.

Ông Simon cho biết trong số các thành phố đang phát triển ở châu Á thì Bắc Kinh là phát triển mạnh nhất về môn này.

Ông Simon nói: "Có được đến 4 sân băng đa năng là chuyện rất hiếm. Và đó chính là một trong những lý do môn khúc côn cầu trên băng đang phát triển nhanh hơn nhiều tại Bắc Kinh so với những nơi khác như Hồng Kông chẳng hạn. Hồng Kông có số người hâm mộ môn khúc côn cầu rất lớn, có nhiều trẻ em chơi môn này, nhưng họ bị hạn chế về số lượng sân băng."

Ông Lane Moore, một huấn luyện viên khác đang giúp cho trại hè của hội Flying Tigers, nói rằng khúc côn cầu mới chỉ ở giai đoạn khởi động tại Bắc Kinh.

Ông Moore nói: "Với việc họ đang phát triển thêm nhiều sân băng mới, số người tham gia môn khúc côn cầu này sẽ tăng lên vược bậc tại Bắc Kinh. Tôi cũng nghe rằng Thượng Hải cũng phát triển nhanh như vậy, và tôi hình dung rằng môn khúc côn cầu tại Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đó."

Cả huấn luyện viên Moore lẫn Kevin Masters đều nói rằng trước đó họ chưa bao giờ tưởng tượng là có một ngày nào đó họ sẽ huấn luyện môn khúc côn cầu cho một trại hè ở Trung Quốc, mà sân băng lại ở trên tầng 4 của một siêu thị. Nhưng nay hai huấn luyện viên này nói rằng sự phơi bày của hoạt động tại đây ra trước công chúng đi mua sắm tại siêu thị này sẽ giúp quảng bá cho môn thể thao này và họ hy vọng là sẽ chuyển từ một môn chơi còn đang mới mẻ thành một môn thể thao trong dòng chính của Trung Quốc.

http://www.youtube.com/embed/x72dfjbQcVU