<!-- IMAGE -->
Môn khúc côn cầu trên băng nam tại Olympic Vancouver 2010 được giới hâm mộ trông đợi sẽ là một trong những cuộc tranh tài hấp dẫn nhất. Vòng chung kết kéo dài 12 ngày quy tụ 12 đội tuyển mạnh nhất thế giới với chung một mục tiêu – đó là quyết tâm đoạt danh hiệu vô địch Olympic. Thông tín viên Steve Schy của đài VOA tường trình rằng đội tuyển Mỹ đặt mục tiêu sẽ giành lại tấm huy chương vàng mà họ từng đoạt được vào năm 1980.
Môn khúc côn cầu trên băng nam chính thức trở thành một bộ môn của Olympic vào năm 1992, nhưng đến Olympic 1998 trở đi thì Lên đoàn khúc côn cầu Mỹ, gọi tắt là NHL, mới cho phép các cầu thủ rời giải đấu của liên đoàn để trở về thi đấu cho các đội tuyển quốc gia.
Ông David Ogrean, giám đốc đội tuyển khúc côn cầu Mỹ –USA Hockey – đánh giá cao việc NHL chấp nhận hoãn mùa giải để tạo điều kiện cho các cầu thủ hàng đầu thế giới được tranh tài tại Olympic mùa Đông lần thứ 21.
Ông Ogrean: "Đây sẽ là cuộc tranh tài lớn nhất trong lịch sử khúc côn cầu thế giới. Ở cuộc tranh tài Olympic đầu tiên tại Nagano 1998, Nga và Cộng hòa Czech tranh chung kết. Tại Salt Lake City 2002, Mỹ tranh chung kết với Canada. Torino 2006 là cuộc so kè giữa Thụy Điển và Phần Lan. Còn tháng 2 tới đây, chúng ta sẽ đến tranh chiếc huy chương vàng tại Canada, nơi được xem là xứ sở của khúc côn cầu."
Như vậy tại ba kỳ Olympic, chưa một đội tuyển quốc gia nào đến được trận chung kết hai lần. 12 đội tuyển đến Olympic Vancouver 2010 vào tháng 2 này được chia thành ba bảng: Bảng A gồm Canada, Mỹ, Thụy Sĩ, và Na Uy; Bảng B gồm Nga, Cộng hòa Czech, Slovakia, và Latvia; và Bảng C gồm Thụy Điển, Phần Lan, Belarus, và Đức.
Trong quá khứ đội tuyển Mỹ chủ yếu dựa vào các "cựu binh," còn nay theo ông Ogrean thì đổi tuyển Olympic Mỹ 2010 mang một diện mạo hoàn toàn mới.
Ông Ogrean: "Đổi tuyển Mỹ đến tranh Olympic năm nay bao gồm các tuyển thủ thuộc thế hệ mới, trẻ, cực kỳ năng động, và phần lớn là lần đầu tham dự Olympic."
Công việc chọn lựa 23 tuyển thủ cho đội tuyển là một việc làm khó, được giao cho một ủy ban gồm 7 ủy viên thực hiện.
Tổng giám đốc Brian Burke của đoàn thể thao Mỹ cho biết họ phải tìm các cầu thủ có những sở trường khác nhau để lắp vào một đội hình thật cân đối.
Ông Burke: "Chúng tôi tuyển chọn 23 cầu thủ giỏi nhất, mỗi cầu thủ hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình. Để chiến thắng một cuộc tranh tài đỉnh cao như thế này, cần phải vượt qua được rất nhiều nhiệm vụ khó khăn."
Ông Dave Poile, một quan chức của đoàn thể thao Mỹ cho biết chỉ có 5 cầu thủ trong đội tuyển từng có kinh nghiệm tranh tài Olympic. Ông nhớ lại vinh quang khi đội tuyển Mỹ giành được tấm huy chương vàng tại Lake Placid ở New York vào năm 1980.
Ông nói khi đó đội Mỹ bị xem là dưới cơ đã bất ngờ hạ ứng cử viên huy chương vàng là Nga ở trận bán kết, trước khi đánh bại Phần Lan để đoạt chức vộ địch. Ông Poile hy vọng kỷ niệm năm thứ 30 chiến thắng này sẽ tạo phấn khích do cho đội tuyển trẻ hôm nay.
Ông Poile: "Thông điệp mà chúng tôi muốn gởi đến các tuyển thủ là đây chính là dịp để hành động một cách anh hùng. Tranh tài Olympic là lúc để hoàn thành giấc mơ, phải đạt được mục tiêu, và đó là một vinh quang của đất nước. Canada đã đoạt tấm huy chương vàng của chúng ta tại Salt Lake City năm 2002, và tôi cho rằng không có một dịp nào thích đáng hơn để đội tuyển Mỹ đòi lại món nợ này vào tháng 2 tới đây tại Vancouver."
Ông Ron Wilson của câu lạc bộ Toronto Maple Leafs làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển khúc côn cầu Olympic nam của Mỹ năm 2010.
Cầu thủ trẻ Patrick Kane, 21 tuổi, một trong số sáu cầu thủ của nhóm đầu tiên được gọi tên vào đội tuyển, nói rằng được đại diện cho đất nước đi tranh Olympic là một vinh dự lớn.
Patrick Kane: "Chúng tôi may mắn được thi đấu trong Liên đoàn khúc côn cầu Mỹ, thế nhưng Olympic mới vĩ đại hơn nhiều, và chúng tôi đến đó để giành huy chương vàng. Do đó chắc chắn là cuộc tranh tài sẽ rất hấp dẫn."
Tiền đạo cánh Zach Parise, vua phá lưới mùa giải 2008-2009 tại Mỹ, nói rằng anh mong đợi sẽ được đấu với Canada trong trận chung kết, nhưng anh hứa là đội tuyển Mỹ sẽ không coi thường các đối thủ khác.
Zach Parise: "Bất kể đối thủ là ai – Na Uy, Thụy Sĩ, hay Nga –chúng tôi sẽ coi trọng mọi trận đấu như nhau. Chúng tôi không phải chỉ chú trọng vào trận đấu với Canada mà thôi. Hành trình Olympic là một tiến trình xây dựng, chúng tôi thi đấu tốt hơn sau mỗi trận đấu, và đó là con đường đi đến chiến thắng. Đội tuyển nào thành hình được sớm nhất sẽ đi vào ổn định nhanh nhất, và đó sẽ là một lợi thế."
Đổi tuyển khúc côn cầu nam của Mỹ sẽ khởi đầu hành trình Olympic Vancouver bằng trận đấu với Thụy Sĩ vào ngày khai mạc cuộc tranh tài -- 16 tháng 2.