Nam Triều Tiên áp đặt các biện pháp chế tài Iran

Nam Triều Tiên là quốc gia gần đây nhất áp đặt các biện pháp chế tài độc lập đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Loan báo được đưa ra sau nhiều tuần thảo luận trong nội bộ chính phủ và áp lực từ phía Hoa Kỳ. Từ Seoul, Thông tín viên VOA, Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ Nam Triều Tiên liệt kê 102 thực thể của Iran vào danh sách đen, trong số này có 14 ngân hàng và 24 cá nhân. Seoul cho biết cũng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các kiện hàng hóa liên quan tới Iran.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, Kim Young-sun, khẳng định Seoul đang có những biện pháp theo đúng tinh thần các nỗ lực quốc tế để trừng phạt Iran về chương trình tinh luyện uranium.

Ông Kim nói rằng chính phủ Nam Triều Tiên trông đợi Iran sẽ hồi đáp các nỗ lực quốc tế, đình chỉ việc phổ biến hạt nhân bằng cách theo đúng các yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Với các biện pháp chế tài mới, cho dù là một giao dịch nhỏ nhất của chi nhánh Ngân hàng Mellat của Iran tại Seoul cũng phải được chính phủ Nam Triều Tiên chấp thuận. Tuy nhiên, chính phủ không ra lệnh buộc chi nhánh này phải đóng cửa.

Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng ngân hàng này có dính líu đến các giao dịch liên quan tới các chương trình hạt nhân, phi đạn, cũng như các chương trình quân sự khác của Iran. Washington đã thúc giục Seoul có biện pháp chống lại Iran.

Thế nhưng đối với Nam Triều Tiên, ban hành các biện pháp chế tài cứng rắn đối với Tehran không phải là một quyết định đơn giản.

Iran là nước cung cấp dầu lớn thứ tư cho Nam Triều Tiên, và các công ty xây dựng Nam Triều Tiên có các dự án quan trọng tại Iran.

Các biện pháp chế tài mới ban hành không cấm nhập khẩu dầu, nhưng sẽ giới hạn các hoạt động đầu tư mới của các doanh nghiệp Nam Triều Tiên vào ngành dầu khí của Iran.

Theo các doanh nghiệp Nam Triều Tiên, hành động này sẽ tác hại đến giao dịch thương mại hằng năm trị giá 10 tỷ đô la. Đại sứ Iran tại Seoul đã nhiều lần cảnh báo rằng các biện pháp chế tài này sẽ khiến các công ty của Nam Triều Tiên bị thay thế bởi các doanh nghiệp nước khác.

Thế nhưng những người ủng hộ thì cho là đó là một biện pháp đúng đắn cần phải làm.

Họ nêu ra rằng Washington, đồng minh quân sự lớn nhất của Seoul, luôn sát cánh với Seoul sau vụ một tàu chiến của Nam Triều Tiên bị đắm hồi cuối tháng ba.

Một cuộc điều tra quốc tế quy trách nhiệm cho một ngư lôi của Bắc Triều Tiên, một quốc gia thủ đắc hạt nhân quan trọng khác. Sau vụ tàu Cheonan bị chìm, trước đây trong tháng này, Hoa Kỳ cũng đã mở rộng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Bắc Triều Tiên.