Hôm thứ Năm truyền thông Trung Quốc loan tin hầu hết các cơ sở du lịch của Trung Quốc đã ngưng các tour đến Philippines trong cuộc khẩu chiến đang leo thang mang tính dân tộc về một chuỗi đảo.
Trung Quốc cũng công bố một cảnh báo về an ninh cho các công dân cuả họ ở Philippines vì theo dự kiến sẽ diễn ra những vụ biểu tình chống Trung Quốc vào cuối tuần này.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, hôm thứ Năm đòi hỏi Philippines phải bảo đảm an toàn cho các công dân Trung quốc.
Ông nói bên phía Philippines đã khuyến khích người dân cả trong nước lẫn ngoài nước tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Điều này đã gây lo ngại và phản ứng mạnh từ phía nhân dân Trung Quốc. Ông nói nhà chức trách phải có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho các kiều dân và các định chế của Trung Quốc tại Philippines.
Tình trạng căng thẳng gia tăng do một vụ đối đầu trong tháng trước sau khi một tàu chiến Philippiens tìm cách ngăn chặn những tàu cá Trung Quốc tại bãi đá Scarborough, nhưng bị tàu hải giám Trung quốc gây rối.
Chuỗi đảo được Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, tọa lạc tại biển Đông, cách đông bắc Philippines 230 kilomét .
Manila nói đảo này nằm trong phạm vi đặc khu kinh tế của họ trong lúc Bắc Kinh chẳng những chỉ nhận chủ quyền trên các đảo đó mà còn ở hầu như trên toàn bộ biển Đông.
Chính vì thế mà Trung Quốc xung đột với những lời tuyên bố nhận chủ quyền khác tại các nơi giàu tài nguyên khoáng sản và cá của Brunei,Philippines, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Giới phân tích thời cuộc nói tuyên bố nhận chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh tại khu vực này không đủ lý lẽ vì nó chỉ dựa vào lời tuyên bố theo lịch sử thay vì trên công pháp quốc tế.
Ông Carl Thayer, một giáo sư tại Học viện Quốc Phòng Australia, nói một bản đồ mà Trung Quốc trao cho Liên Hiệp Quốc năm 2009 để minh chứng lời tuyên bố nhận chủ quyền có 9 đường không nối kết.
Ông nói: ”Cho đến khi nào Trung Quốc làm rõ 9 đường đó có nghĩa như thế nào, và làm sao có thể nối kết được 9 đường đó, và làm sao cho phù hợp với công pháp quốc tế vì họ chỉ tuyên bố chủ quyền viện dẫn lịch sử. Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc chỉ có mới đây thôi. Vì vậy quí vị không thể lội ngược dòng lịch sử mà nói - 'tôi có quyền lịch sử cho nên tôi cũng tuyên bố chủ quyền theo công pháp quốc tế' - vì lúc đó chưa có công pháp quốc tế. Vì vậy chúng ta vẫn còn kẹt trong cái tối nghĩa, mơ hồ của Trung Quốc. Một số người lý luận rằng đó chính là sự tính toán. Nó được Trung Quốc tính toán để mọi người cứ phải phỏng đoán.”
Những xung đột về tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này không có gì mới, và trong quá khứ đã có những vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc và Việt Nam và ngay cả những trận hải chiến ngắn trong thập niên 1970 giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Nhưng người ta lo ngại về chuyện có thể xảy ra đụng độ lớn hơn trong lúc Trung Quốc xác quyết quyền lực và ảnh hưởng để nhận chủ quyền về các nguồn tài nguyên và Hoa Kỳ ủng hộ đồng minh Philippines, với con số các vụ bán vũ khí gia tăng.
Để làm dịu bớt căng thẳng, Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN từ hơn một thập niên nay vẫn thương thuyết về các chi tiết về một bộ luật ứng xử tại biển Đông.
Tổ chức cấp vùng này đã đưa ra một thời hạn chót là tháng Bảy để đạt được một hiệp định, khi Thái Lan trở thành nước điều phối giữa ASEAN – Trung Quốc.
Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và An Ninh của đại học Chulalongkorn tại Bangkok, nói Thái Lan, một nước không tranh chấp chủ quyền, có tư thế thích hợp để đóng vai trọng tài, nhưng sẽ phải chịu áp lực từ cả Bắc Kinh lẫn ASEAN.
Ông giải thích: ”Trung Quốc chỉ muốn thương thảo với ASEAN trên căn bản song phương. Và ASEAN không có một lập trường chung duy nhất về vấn đề biển Đông. Vì thế có phần chắc chúng ta sẽ thấy Bắc Kinh sử dụng lá bài chia để trị. Đồng thời các quốc gia ASEAN, nhất là những quốc gia nhận chủ quyền như Philippines, Việt nam, Malaysia, họ muốn thấy ASEAN đưa ra một lập trường chung. Và chuyện này sẽ tạo một số áp lực đè nặng lên Thái Lan.”
Giới phân tích thời cuộc nói Philippiens và Việt Nam đang thúc đẩy để hoàn tất một bộ luật ứng xử có tính cách cưỡng hành và nó cũng làm rõ những tuyên bố chủ quyền trong vùng biển trong khi mà Trung Quốc muốn một tuyên bố yếu hơn, mơ hồ hơn.
10 quốc gia thành viên của ASEAN đưa ra quyết định chỉ căn cứ trên sự đồng thuận và Trung Quốc cũng phải chấp nhận thỏa thuận này.
Chuyên gia phân tích chính trị Carl Thayer nói làm rõ và đưa ra một bộ luật ứng xử có tính cưỡng hành ít có cơ hội xảy ra, và sẽ lại chỉ rút xuống một danh sách các nguyên tắc tựa như bản tuyên bố ứng xử hay DOC năm 2002. Ông nói:
”Nếu như không có được điều như Philipppines muốn, một cơ chế thực thi, thì thỏa thuận đó không có tính cách của một hiệp ước, nó cũng sẽ không có tính cưỡng hành, chẳng khá hơn DOC, theo đó, khi suy cho cùng, lượng định cho kỹ, nó chẳng hơn gì một tuyên bố chính trị của những hoạt động tự nguyện.”
Những quốc gia khác của ASEAN là Miến Điện, Indonesia, Lào và Singapore.
http://www.youtube.com/embed/r3dGz3aArBg