Bộ Y tế Việt Nam cho biết cả nước đã nghi nhận 9.690 ca nhiễm mới chỉ riêng trong ngày 8/8, một kỷ lục mới về số lượng nhiễm thường nhật trên toàn quốc, giữa lúc Cục hàng không kiến nghị dừng mọi tuyến bay nội địa giữa các vùng dịch.
Hầu hết các ca nhiễm mới được ghi nhận ở “điểm nóng” của dịch hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận – gồm Bình Dương và Đồng Nai, theo thống kê của Bộ Y tế. Riêng TPHCM, nơi đang bị phong toả và áp dụng lệnh cấm người dân ra đường từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, chiếm gần 1 nửa tổng số ca nhiễm mới trên toàn quốc trong ngày 8/8 khi ghi nhận gần 4.000 trường hợp dương tính với COVID-19.
Trong tổng số ca nhiễm được ghi nhận trên toàn Việt Nam tính đến ngày 9/8, 215.560 ca, TPHCM chiếm hơn một nửa – với 123.891 ca. Thành phố lớn nhất cả nước chiếm hơn 80% số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc, với 3.013 ca trong tổng số 3.705 ca, theo dữ liệu của Bộ Y tế cập nhật ngày 9/8.
Thủ đô Hà Nội hôm 6/8 cũng gia hạn giãn cách thêm 2 tuần nữa trong lúc tiếp tục ghi nhận từ 50-70 ca nhiễm mỗi ngày cho dù đã áp dụng lệnh cách ly toàn thành phố với yêu cầu của Chủ tịch Thành phố Chu Ngọc Anh là “ai ở đâu ở đó” trong giai đoạn nửa tháng trước đó.
Mặc dù Hà Nội ghi nhận con số lây nhiễm thấp hơn rất nhiều so với TPHCM, nhưng thủ đô của cả nước cũng đang thực hiện các biện pháp phong toả quyết liệt không kém vì muốn tránh tình trạng bùng phát ngoài tầm kiểm soát như đang diễn ra ở thành phố được coi là trung tâm tài chính của quốc gia.
Trước tình hình lây nhiễm tiếp tục tăng mạnh vì biến thể Delta, Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương giãn cách xã hội, trong đó có đường bay Hà Nội-TPHCM, theo truyền thông trong nước.
Đề xuất này được Cục Hàng không Việt Nam đưa lên Bộ Giao thông Vận tải để áp dụng cho các đường bay đi và đến các tỉnh thành trên cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, theo Thanh Niên. Theo đó, chỉ có các chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phóng chống dịch mới được hoạt động.
Việt Nam được xem là kiềm chế đại dịch virus corona một các hiệu quả trong gần toàn bộ năm ngoái và được quốc tế ca ngợi như một câu chuyện thành công của một quốc gia có nguồn lực hạn chế và hệ thống y tế nghèo nàn nhưng không để dịch lây lan ngoài tầm kiểm soát như các nước phương Tây giàu có lúc đó. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch mà Việt Nam vẫn áp dụng trước đây, như cách ly tập trung và truy dấu nguồn lây nhiễm, dường như không còn có thể giúp quốc gia Đông Nam Á kiểm soát được đợt bùng phát mới nhất bắt đầu từ 27/4.
Báo New York Times hồi đầu tháng 6 nói rằng Việt Nam có thể đã hết “may mắn” trong việc ngăn chặn thành công virus corona với sự xuất hiện của biến thể mới. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sau đó đã bác bỏ nhận định của tờ báo Mỹ và cho rằng thành công ban đầu của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là do có những “quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương.”