Tình trạng tuyệt vọng và những bức xúc ngày càng tăng trên đảo Sulawesi ở miền trung Indonesia, nơi hơn 1200 người thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần tàn khốc vào tuần trước.
Thông tin từ hiện trường cho biết cư dân Palu, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thảm họa, đang hôi của tại các cửa hàng bị bỏ hoang để tìm kiếm thức ăn và nước sạch để uống. Dân chúng ngày càng trở nên giận dữ hơn vì sự trì chậm trong các hoạt động của chính phủ để phân phối các vật phẩm cứu trợ khẩn cấp.
Trong khi đó, các đội cứu hộ tiếp tục đào bới các đồng đổ nát trên khắp Palu để tìm kiếm người sống sót, nhưng các nỗ lực cứu hộ bị cản trở vì thiếu máy móc hạng nặng. Có ít nhất 50 người được cho là bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của khách sạn Roa Roa trong thành phố.
Cơ quan ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia hôm 2/10 công bố số tử vong hiện đã lên tới 1.234 người sau trận động đất 7,5 độ richter hôm thứ Sáu, gây ra sóng thần lớn với những ngọn sóng cao tới 6 mét.
Rất nhiều nhà cửa và tòa nhà ở Palu đã biến thành những đống đổ nát, khiến khoảng 50.000 cư dân bị thất tán. Sóng thần quét sạch các con đường và cầu cống ở Sulawesi, phá hủy sân bay trên đảo, làm chậm công tác phân phối hàng cứu trợ.
Hôm thứ Hai, khoảng 3.000 cư dân đã kéo tới sân bay với hy vọng chiếm được một ghế trên một máy bay vận tải quân sự, hoặc một chuyến bay thương mại hiếm hoi để thoát ra khỏi đảo.
Các giới chức đặc trách ứng phó khẩn cấp lo ngại số người chết sẽ tăng cao một khi các đội cứu hộ tiếp cận được ba quận gần Palu đã bị cô lập trong thảm họa động đất và sóng thần. Tổng cộng dân số trong ba khu vực này lên đến hơn một triệu người.
Khu vực này đã trải qua ít nhất một cuộc hậu chấn tương đối hôm thứ Ba. Không có báo cáo về bất cứ thương vong hay thiệt hại tài sản nào.
Tổng thống Jokowi Widodo đã chuẩn thuận để Sulawesi được nhận sự hỗ trợ của quốc tế.
Nhà chức trách cho biết hàng trăm người đang tham gia một lễ hội trên bãi biển Palu khi động đất và sóng thần xảy ra, nhiều người đã tử vong khi bị những con sóng khổng lồ cuốn di.
Indonesia đã làm việc với Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ để thiết lập một hệ thống cảnh báo sóng thần sớm, có khả năng nhận biết những thay đổi của cột nước ở đáy đại dương.
Nhưng dự án này đã bị đình chỉ vào tuần trước hình như vì sự mất giá của đồng tiền Indonesia, gây lo ngại ở nước này về khả năng chi trả cho dự án.
Indonesia và 18.000 hòn đảo nước này nằm dọc theo “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, cho nên động đất, sóng thần thường xuyên xảy ra cùng với các hoạt động của núi lửa.
Trận động đất 9,1 độ Richter xảy ra năm 2004 ngoài khơi đảo Sumatra kèm theo sóng thần đã giết chết khoảng 230.000 người ở 14 quốc gia Thái Bình Dương, ước lượng phân nửa số tử vong xảy ra ở Indonesia.