Kiểm soát sinh sản là một vấn đề gây chia rẽ ở nhiều nơi tại Phi châu – nó thách thức văn hoá, tôn giáo và hệ thống phụ hệ. Christin Roby ở Dakar tường thuật rằng đưa các nhà lãnh đạo tôn giáo vào cuộc thảo luận ở Senegal đã là một bước quan trọng trong việc khắc phục sự chống đối. Sau đây là bài ghi nhận trong khuôn khổ loạt bài về vụ bột phát sinh nở tại châu Phi của đài VOA.
94 phần trăm trong dân số hơn 14 triệu của Senegal theo Hồi giáo. Vì thế khi đến lúc phải giải quyết vấn đề kiểm soát sinh sản như một vấn đề chính sách công cộng thì các chuyên gia về y tế không phải là những người duy nhất được đưa vào cuộc thảo luận.
Bộ Y tế hợp tác với các y viện địa phương và các nhà lãnh đạo tôn giáo để thành lập một cơ chế tiếp cận cộng đồng về kiểm soát sinh sản.
Bà Gueye Coumba Seye là giám đốc dịch vụ xã hội và bảo mẫu tại Hội An sinh Gia đình của Senegal. Bà nói bước đầu là thiết lập một sự hiểu biết chung về các lợi ích của kế hoạch hoá gia đình.
Bà nói các nhà lãnh đạo tôn giáo nghĩ rằng thông điệp được gửi đi là chớ nên sinh con. Vì thể khi chúng tôi giải thích rằng chúng tôi không nói là “không nên sinh con nữa, mà là hãy sinh cách quãng xa hơn vì sức khoẻ của cả mẹ lẫn con, mọi thứ bắt đầu thay đổi.”
Bà Gueye nói có một đội ngũ các giáo sĩ đồng ý với kế hoạch hoá gia đình và đây cũng chính là những nhà lãnh đạo sẽ làm công tác tiếp cận để thông báo cho phụ nữ, nói với họ hãy theo một phương pháp tránh thai.
Kể từ khi cuộc vận động bắt đầu vào năm 2011 về những sự cần thiết đối với sức khoẻ của việc sinh cách quãng xa hơn, số tử vong nơi trẻ sơ sinh ở Senegal đã giảm xuống khoảng 2 phần trăm. Bà Gueye cho rằng thành tích đó là nhờ sự hỗ trợ của giới giáo sĩ.
Nhưng một trong những thành phần cấp thiết nhất trong phương trình kế hoạch hoá gia đình là người chồng. Nhất là ở các xã hội cổ hủ hơn nơi phụ nữ có ít quyền tự trị hơn, huy động sự tham gia của nam giới có thể khó khăn hơn.
Bà Gueye nói đưa các đền thờ Hồi giáo vào nỗ lực phổ biến thông tin về sự tiếp cận các phương pháp tránh thai không tốn kém và sự cần thiết của người chồng tạo ra được sự khác biệt.
Bà nói một số ông chồng còn đi cùng với vợ đến tham khảo ý kiến:
Bà nói trước kia bà chưa từng được thấy cảnh này. Đối với những người không đến cùng với chồng, họ được sự chấp thuận của chồng. Thực là hiếm có khi phụ nữ đến mà không được sự đồng ý trước của người chồng.
Bà Aida Ngom, một bà mụ tại Hiệp hội An sinh Gia đình, nói các gia đình nay nhìn thấy một số lợi ích khác của việc sinh cách quãng.
Bà nói sinh cách quãng xa hơn giúp cho phụ huynh có thời giờ nuôi dạy trẻ tốt, và dành thời giờ ở cạnh chồng con. Bà nói phụ nữ cũng có thể tránh phá thai.
Việc sử dụng tránh thai trong phụ nữ có chồng ở Senegal đã tăng 16% trong năm 2013, tức là 4% trong 2 năm kể từ khi bắt đầu cuộc vận động. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng ước tính có sự giảm sút 6% trong tỷ lệ tử vong khi sinh nở cùng trong thời gian đó.
Với các nỗ lực hợp tác của các nhà lãnh đạo tôn giáo và ngày càng nhiều các cuộc đối thoại về sức khoẻ và an toàn, theo bà Ngom, Senegal đang tìm cách xây dựng các gia đình vững mạnh hơn.