Tại Philippines, các ông chồng bị các bà vợ đi làm ở nước ngoài bỏ lại đang tìm cách ứng phó với cảnh gà trống nuôi con, nhờ một lớp học làm cha mẹ dành riêng cho họ.
Tại một phòng họp ở tòa thị chính Mabalacat, Pampanga, ngay phía bắc Manila, khoảng nửa tá các ông bố được mách nước về tài chính và ngân quỹ gia đình.
Ông Alvin Balenton, một người tự nguyện tham gia và luôn giơ tay phát biểu đầu tiên. Ông thuộc một chương trình thử nghiệm hỗ trợ cho các ông bố nuôi con một mình trong khi vợ đi làm ở nước ngoài.
Ông nói, “Tôi thực sự thích ở điểm có rất nhiều người cho lời khuyên nhủ và rất lý thú. Mọi người ở đây giống như gia đình. Có nhiều thứ phải làm. Vợ tôi đang ở nước ngoài và đôi khi tôi sực nhớ đến bà ấy. Nhờ vậy mà tôi đỡ phần nào căng thẳng.”
Ông Balenton 37 tuổi nói ông rất biết ơn sự hỗ trợ tình cảm mà ông có được trong khi theo lớp học gọi là AMMA, có nghĩa là “một người cha nuôi dạy con giỏi.” Ông xoay xở nuôi 5 đưa trẻ từ 6 tuổi đến 17 tuổi bằng một việc làm bán thời gian trong khi vợ đi làm người giúp việc nhà ở Macau.
Gần 10 triệu người Philippines sinh sống ở nước ngoài và một nửa số này là nhân viên làm việc theo hợp đồng, mưu tìm công việc trả lương khá hơn ở nước ngoài. Nhiều phụ nữ Philippines hơn so với phía nam giới làm việc ở nước ngoài và đa số làm người giúp việc trong nhà.
Ông Emigdio Tanjuatco đứng đầu Phi trường Quốc tế Clark, là cơ quan tài trợ chương trình AMMA. Ông nói phi trường là điểm chính gửi nhân viên làm việc theo hợp đồng ra nước ngoài.
Ông nói: “Thực tế đa số công nhân hợp đồng làm việc ở nước ngoài là phụ nữ để lại một khoảng trống trong cơ chế gia đình. Vì vậy mà cần phải dành ưu tiên cho các ông bố.”
Bà Tessibeth Cordova, một chuyên gia tâm lý làm việc cho phi trường Clark là một trong những người sáng lập chương trình AMMA.
Bà nói một người cha tiêu biểu trong chương trình thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, làm bữa sáng cho đám trẻ, đưa chúng đi học và trở về nhà để hoạch định thực đơn cho bữa trưa, sau đó làm việc nhà và chương trình tiếp tục cho đến chiều tối.
Bà Cordova cho biết: “Những việc làm này không được coi là công việc, khi thực sự ra họ phải làm rất nhiều. Nhưng lại lại không được đánh giá bằng công việc và quan niệm đó gây ảnh hưởng đến cái nhìn của họ đối với bản thân và liên hệ đối với con cái.”
Vợ của anh Rodrigo Wage bắt đầu làm việc ở Canada cách đây 6 năm sau khi công việc làm các bảng hiệu thủ công của anh trở nên lỗi thời vì đồ hoạ bằng điện toán. Anh cũng tham gia chương trình AMMA.
Anh nói: “Chúng tôi từng có một cửa hàng làm bảng chữ ở nhà và tôi bắt đầu làm việc ngay khi thức dây, và công việc cũng tạm ổn. Tôi hoàn toàn xoay xở được. Dĩ nhiên chúng là con của mình mà mình phải chăm sóc chúng. Nhưng đương nhiên phải có sự điều chỉnh. Nay công việc của mình là giặt giũ quần áo.”
Là cha của 3 đứa con gái, anh Wage nói anh phải điều chỉnh vào một cuộc sống không còn là người kiếm tiền nuôi gia đình nữa.
Anh nói: “Ngay cả khi tôi nổi quạu với đám trẻ, bậc cha mẹ nào mà thỉnh thoảng chẳng nổi cáu, tôi phải tìm cách quên đi. Tôi vào phòng và chơi đàn ghi-ta và cố quên đi. Tôi rất thích chơi đàn.”
Anh Cordova nói chương trình đánh giá tình trạng cảm xúc của các ông bố và cũng làm một cuộc thẩm định sơ khởi về đám trẻ vào lúc bắt đầu khoá học. Ngoài sự yểm trợ về tâm lý, các ông bố còn được mách nước về cách làm cha mẹ trong đó có việc kỷ luật con cái và dạy cho chúng cách cư xử.
Những người sáng lập chương trình AMMA đang tìm cách bàn giao chương trình cho các ông bố quản lý, một khi họ xác định rằng các ông này đã đủ tự lập.