Các nhà nghiên cứu thực hiện một cuộc thăm dò thường lệ đáy biển đã phát hiện một vụ phun lửa lớn dưới đáy biển tại Nam Thái Bình Dương cách đảo quốc Tonga 400 kilômét về phía tây nam.
Trong một cuộc nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh, Đức và New Zealand mô tả có sự thay đổi đáng kể núi lửa Monowai họ đã vẽ bản đồ địa điểm này hai lần trong vòng 14 ngày.
Giữa hai lần đo đạc, đỉnh núi lửa nhô cao thêm gần 80 mét, trong khi phần khác của núi lửa sụp gần 19 mét.
Các nhà nghiên cứu nói đã gặp nước biển màu XANH LỤC ngả vàng kèm theo mùi trứng thối khi vẽ bản đồ khu vực này lần đầu tiên. Các nhà nghiên cứu trở lại hai tuần sau đó sau khi máy dò địa chấn khám phá ra có hoạt động đáng kể tại vùng này.
Các nhà khoa học nói từ những báo động địa chấn họ biết được “có gì lớn” xảy ra tại núi lửa Monowai nhưng họ ngạc nhiên về sự thay đổi địa lý lớn lao diễn ra trong một thời gian ngắn như vậy.
Bên cạnh núi lửa Vesuvius tại Ý, núi lửa St. Helen tại Mỹ, các đồng tác giả cuộc nghiên cứu nói việc tăng chiều cao quá lớn của núi lửa Monowai là con số cao nhất quan sát được từ trước đến nay của bất cứ núi lửa nào trên mặt đất hay dưới biển.
Vì hầu hết những núi lửa của quả đất đều chìm dưới biển và tương đối khó tiếp cận, nên người ta ít biết được về cấu trúc và những tiến hóa về địa chất của những núi lửa này.
Các nhà nghiên cứu tin là chiều cao của núi lửa Monowai tăng lên một cách đáng kể là do khối lượng nham thạch-đất đá bị tan chảy dưới vỏ trái đất-phun lên, sau đó nguội dần và cứng lại dưới biển.
Những nhà nghiên cứu cũng nghi là khí nóng từ sâu trong lòng đất phun lên từ những hố dưới đáy biển thường được gọi là những ống thủy nhiệt và làm nước mất màu và tạo mùi trứng thối họ gặp lần đầu tiên khi vẽ bản đồ khu vực này. Các nhà nghiên cứu cho rằng khí thoát ra làm yếu một phần thành của núi lửa làm cho một số nơi của thành núi lửa hình nón sụp đổ.
Các nhà khoa học quan sát núi lửa Monnowai vào tháng 5 và tháng 6 năm 2011. Những phát hiện của họ được phác họa trong một cuộc nghiên cứu mới công bố trong tạp chí Nature Geoscience.