Nga dẫn đầu cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân ở Việt Nam

Nga dẫn đầu cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân ở Việt Nam

Công ty Westinghouse Electric của Hoa Kỳ và Công ty Năng lượng hạt nhân Hitachi-GE của Nhật Bản đã thua trong cuộc đua giành hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam khi Hà Nội lựa chọn công ty Atomtroyexport của Nga.

Hiện tại hai công ty này lại tiếp tục cạnh tranh để giành hợp đồng xây dựng nhà máy thứ hai cùng với các công ty của Pháp, Nam Triều Tiên và Nga.

Nay Nga lại đi trước một bước nữa khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cơ quan Giám sát Hạt nhân, Công nghệ và Môi trường Liên bang Nga, gọi tắt là Rostekhnadzor, giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống tài liệu quản lý an toàn hạt nhân.

Bản tin của hãng thông tấn Bernama cho hay ông Dũng đã đưa ra đề nghị này tại cuộc tiếp chủ tịch Rostekhnadzor Nikolay Georgievich Kutin và nói rằng việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này phản ánh niềm tin giữa hai nước. Ông Dũng nhấn mạnh rằng công nghệ và tính an toàn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, một bài blog trên tờ Financial Times cho hay theo Đạo luật Năng lượng Nguyên tử của Hoa Kỳ, trước khi công ty Westinghouse hay Hitachi có thể xuất khẩu công nghệ hạt nhân do Mỹ sản xuất, thì Việt Nam và Hoa Kỳ phải ký một hiệp định hợp tác hạt nhân, gọi là Thỏa thuận 123.

Người đứng đầu Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Tiến sĩ Ngô Đăng Nhân phát biểu tại một cuộc hội nghị về an toàn và phát triển năng lượng ở Hà Nội rằng công cuộc hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiến triển “chậm hơn so với các nước khác” bởi thỏa thuận này.

Cũng tại cuộc hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết một phái đoàn Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 7 để xúc tiến thỏa thuận 123 và ông cho rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận này vào trước cuối năm nay.

Theo kết luận của bài blog trên Financial Times thì cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Nga và Mỹ có phần trái ngược nhau, trong khi Mỹ muốn xây dựng một cơ cấu quản lý trước rồi mới đấu thầu thì Nga lại làm ngược lại, và xem ra phương pháp của Nga tỏ ra có hiệu quả hơn trong lần cạnh tranh này.

Nguồn: Financial Times, Bernama