Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích Việt Nam vì đã kết án tù nhiều năm ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với tội danh thường được chính quyền dùng để đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Ông Thể bị một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hôm 6/12 , trong một phiên tòa không có luật sư bào chữa vì, theo gia đình, Facebooker này “không tin vào công lý” ở Việt Nam.
Đây là lần thứ hai ông Thể bị tuyên án tù và với cùng cáo buộc theo điều 331 của Bộ Luật hình sự Việt Nam, mà theo RSF là “một quy định vô lý được sử dụng rộng rãi để bức hại các nhà báo”.
“Ông Lê Minh Thể chỉ phục vụ lợi ích cộng đồng bằng các bình luận về các vấn đề môi trường và quốc tế của đất nước mình, và lẽ ra không bao giờ đáng bị tạm giam chứ đừng nói đến việc bị đưa trở lại sau song sắt”, Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Cedric Alviani, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/12.
Ông Thể bị bắt vào tháng 2 năm nay sau khi đăng các bài viết tập trung vào ô nhiễm môi trường và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trên mạng xã hội.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, blogger 60 tuổi này nhận thấy nhiều hiện tượng tiêu cực và bản thân bức xúc nên đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết cũng như phát trực tiếp nhiều video thể hiện quan điểm của cá nhân không đồng tình với chủ trương của Đảng, nhà nước về các vấn đề chính trị và xã hội.
Cáo trạng được báo nhà nước Việt Nam dẫn lại nói rằng những đăng tải của ông Thể “có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm” của các lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước.
Trước đó, hồi năm 2019, blogger này bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tương tự. Cáo trạng lúc đó được truyền thông trong nước dẫn lại nói rằng ông Thể đã “kêu gọi, đòi thay đổi chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập” và “kêu gọi biểu tình, bạo loạn đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước”.
Em gái ông Thể nói với VOA sau phiên tòa hôm 6/12 rằng ông Thể không nhận tội. Bà Lê Thị Bình, bản thân cũng từng bị kết án tù vì những chỉ trích đối với chính quyền, cho rằng anh bà chỉ “nói lên những gì đã qua báo chí hết rồi” và “phản biện các sự việc cũng đã (được đăng) tràn lan trên mạng xã hội”.
RSF, tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở Paris, “kêu gọi các nền dân chủ tăng cường áp lực lên chế độ (cầm quyền Việt Nam) trả tự do cho nhà bình luận (Lê Văn Thể) cùng với tất cả 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam giữ”.
Việt Nam thường xuyên bác bỏ các chỉ trích của quốc tế về việc đàn áp tự do báo chí và khẳng định họ chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật mà thôi.
Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức độ tự do ngôn luận rất thấp và đàn áp các nhà báo cũng như blogger nhiều nhất. RSF xếp Việt Nam thứ 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2023. Quốc gia Đông Nam Á đứng thứ 3 trên thế giới về giam cầm các nhà báo.