Đường dẫn truy cập

CIVICUS: Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam ‘bị đóng kín’ trong năm 2023


Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm trong bảng xếp hạng của CIVICUS 2023.
Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm trong bảng xếp hạng của CIVICUS 2023.

Tổ chức quốc tế CIVICUS vừa công bố xếp hạng về không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ, nói rằng các quyền này tại Việt Nam vẫn “bị đóng kín” trong năm 2023.

CIVICUS, một liên minh xã hội dân sự toàn cầu, hôm 6/12 ra báo cáo đánh giá các điều kiện ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ với tựa đề “Sức mạnh nhân dân bị tấn công năm 2023”, trong đó Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ “bị đóng kín” hay “closed”.

Năm nay Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm, sau cả Cuba 14/100 điểm, Bangladesh hay Venezuela đồng 20/100 điểm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Hà Nội bị liệt vào danh sách đen này, kể từ lần đầu tiên xếp hạng vào năm 2018.

Trong báo cáo, CIVICUS Monitor đánh giá các không gian dân sự theo thang điểm từ “mở” đến “bị đóng kín” dựa trên mức độ chính quyền vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân.

CIVICUS Monitor định nghĩa không gian dân sự là “sự tôn trọng luật pháp, chính sách và thực tiễn đối với các quyền tự do lập hội, nhóm họp và biểu đạt ôn hòa cũng như mức độ mà nhà nước bảo vệ các quyền cơ bản này”.

CIVICUS cho biết: “Tại Việt Nam, hàng trăm trang web đã bị chặn và chính quyền đã gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường kiểm duyệt các bài đăng ‘chống nhà nước’”.

Ở Việt Nam, hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền vẫn đang bị giam cầm với các cáo buộc bịa đặt là “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Gần đây hơn, điều luật “Trốn thuế” đã được sử dụng để bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền.

CIVICUS nêu nhiều trường hợp đàn áp, trong đó có vụ kết án 6 năm tù giam đối với nhà hoạt động vì quyền đất đai Trương Văn Dũng vào tháng 3/2023, và bản án 8 năm đối với blogger Trần Văn Bang, tuyên vào tháng 5/2023.

“Bản án này quá nặng, thực tế là anh ấy không có tội”, một thành viên gia đình ông Bang nói với VOA.

“Tại Việt Nam, một tòa án đã kết án nhà hoạt động Phan Sơn Tùng 6 năm tù vào tháng 7/2023 vì chủ trương thành lập nhóm đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền”, CIVICUS cho biết.

Báo cáo cho biết điều kiện ở các nhà tù ở Việt Nam cũng trở nên tồi tệ hơn, điển hình như vụ Luật sư Đặng Đình Bách bị giám thị hành hung vào tháng 8 sau khi ông thuật chuyện ông bị bạn tù đe dọa với gia đình.

Quyền tự do biểu tình của người dân cũng bị hạn chế khi hàng chục người dân tộc Êđê bị cảnh sát vũ trang ở tỉnh Đắk Lắk giải tán khi họ cố gắng phản đối một dự án xả thải vào hồ vào hồi tháng 4/2023, báo cáo cho biết.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản báo cáo và kết quả xếp hạng này, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 3, phản hồi một cáo báo của CIVICUS về tình trạng hạn chế của không gian xã hội dân sự tại Việt Nam, truyền thông trong nước nói rằng CIVICUS “đánh giá sai lệch về tình hình xã hội dân sự” ở Việt Nam, cho rằng cách xếp loại của tổ chức này là “không đúng và không phù hợp” với tình hình tại Việt Nam.

Tổ chức CIVICUS, có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi), hợp tác với 20 đối tác nghiên cứu xã hội dân sự để xây dựng báo cáo này.

Các quốc gia châu Á khác bị xếp vào danh sách đen trong báo cáo 2023 bao gồm Afghanistan, Trung Quốc, Hong Kong, Lào, Myanmar, Triều Tiên, Bangladesh.

Tính chung trên toàn cầu, trong số 198 quốc gia được khảo sát trong báo cáo này, có đến 28 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có không gian dân sự “bị đóng kín”- mức cao nhất từ trước đến nay; 50 quốc gia có không gian dân sự “bị hạn chế”, 40 quốc gia có không gian dân sự “bị cản trở”, 43 quốc gia đã “thu hẹp” không gian công dân và 37 quốc gia được xếp hạng “mở”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG