Đường dẫn truy cập

CIVICUS: Việt Nam vẫn bỏ tù và ngược đãi nhà báo, nhà hoạt động dù đã vào Hội đồng Nhân quyền LHQ


Việt Nam vẫn liên tục bắt giữ, bỏ tù các nhà báo độc lập, các blogger và các nhà hoạt động dù đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam vẫn liên tục bắt giữ, bỏ tù các nhà báo độc lập, các blogger và các nhà hoạt động dù đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS), một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi, trong một báo cáo công bố hôm 8/2 nói rằng tình trạng bỏ tù và ngược đãi các nhà hoạt động, nhà báo tại Việt Nam vẫn tồn tại dù Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo nhận định rằng không gian dân sự ở Việt Nam vẫn trong tình trạng “đóng cửa”, với những ghi nhận về việc sử dụng các điều luật vốn còn nhiều hạn chế để hình sự hóa, buộc tội các nhà hoạt động và nhà báo, hạn chế việc di chuyển, giám sát và có những cáo buộc tra tấn và ngược đãi họ. Nổi bật là chiêu thức sử dụng luật về “trốn thuế” để nhắm vào các nhà hoạt động.

Nhiều trường hợp bị bắt giữ được nêu trong báo cáo như trường hợp Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng, đã bị bắt vào tháng 12/2022 với tội “trốn thuế”; trường hợp của Mai Phan Lợi, người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), một chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội được nhiều người biết đến, và ông Bạch Hùng Dương, nguyên Giám đốc MEC, đã bị toà án Hà Nội kết án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù với cáo buộc “trốn thuế”. Hoặc trường hợp ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Luật và Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, bị kết án 5 năm tù vào tháng 6/2022 và bà Nguỵ Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh, bị bỏ tù 2 năm cũng với tội danh tương tự.

Ngoài ra, báo cáo của CIVIVUS cũng ghi nhận những nỗ lực của nhà cầm quyền trong việc thắt chặt kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến trên mạng. Chính quyền đã áp đặt nhiều hạn chế và ngày càng gia tăng kiểm soát truyền thông xã hội trong khi nhiều nhà báo độc lập, blogger tiếp tục bị kết án hình sự với nhiều năm tù. Truyền thông nhà nước vẫn bị kiểm duyệt trong việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở trong nước hay thậm chí ở Trung Quốc.

Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng một số nhà hoạt động tiếp tục bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo và bị cấm xuất cảnh, bị chuyển đến các nhà tù cách xa gia đình của họ và phải đối mặt với sự tra tấn hoặc ngược đãi, như trường hợp của Luật sư Võ An Đôn, nhà báo Phạm Đoan Trang, Huỳnh Thục Vy, Lê Mạnh Hà, Bùi Văn Thuận…

Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 vừa qua, bất chấp những ghi nhận tiêu cực về nhân quyền cũng như bị nhiều tổ chức nhân quyền và nhà hoạt động kêu gọi Hội đồng bác bỏ đề cử của Hà Nội.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG