Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hôm 13/9 lên tiếng chỉ trích bản án 5 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam mới tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, người bị kết án hôm 30/8 trong một phiên tòa không được công bố cho gia đình và công chúng.
Ông Hùng, 49 tuổi, bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
“Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kinh hoàng trước bản án tù 5 năm mà nhà chức trách Việt Nam âm thầm áp đặt đối với nhà báo độc lập Lê Anh Hùng sau khi giam giữ ông trong 4 năm trong điều kiện vô nhân đạo,” tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, viết trong một thông cáo đưa ra hôm 13/9.
RSF, tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên thúc đẩy cho quyền tự do thông tin, chỉ trích sự “tàn ác và chuyên chế” của chính quyền Việt Nam khi “cưỡng bức” ông Hùng cũng như cấm ông không được gặp gia đình trước khi tuyên án ông “trong một sự im lặng đáng sợ.”
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng gì trước tuyên bố của RSF.
Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Hùng, hôm 6/9 cho VOA biết bà không được thông báo về phiên xử của ông Hùng và chỉ được biết về việc ông Hùng đã bị kết án khi bà gọi điện đến trại giam để hỏi tin tức về con bà một tuần sau đó. Bà Niêm còn cho biết rằng bà không được gặp con bà trong 3 năm qua.
Với 4 năm bị tạm giam chờ xét xử, ông Hùng được xem là nhà báo bị giam cầm lâu nhất ở Việt Nam trước khi có án. Trong thời gian bị giam giữ, ông Hùng đã bị đưa đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và, theo bà Niêm cho biết, tại đó ông bị “trói chân, trói tay, bắt phải uống thuốc.”
Trước khi bị bắt vào ngày 5/7/2018, ông Hùng là một cộng tác viên thường xuyên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Các bài viết của ông tố cáo tham nhũng và sự thống trị của đảng cầm quyền, thường nhắm vào ông Hoàng Trung Hải, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Công nghiệp. Ông Hùng cáo buộc ông Hải tham nhũng, lạm dụng quyền lực và làm gián điệp cho Trung Quốc. Ông Hải sau đó bị cách hết các chức vụ sau khi bị Bộ Chính trị cảnh cáo vì vi phạm liên quan đến “sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Ba ngày trước khi bị bắt, ông Hùng đã đăng một bức thư ngỏ trên trang Facebook cá nhân, trong đó chỉ trích các chính sách của chính phủ và kêu gọi sửa đổi Dự luật Đặc khu Kinh tế, lúc đó đang bị công chúng chỉ trích và thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi trong nước. Theo RSF, ông Hùng cũng là một thành viên tích cực của các nhóm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, gồm Hội Nhà báo Độc lập và Hội Anh em Dân chủ. Hai tổ chức này đã bị chính quyền cấm hoạt động và một số thành viên đã bị bắt giam hoặc bỏ tù ở Việt Nam.
Cơ quan Truyền thông Quốc tế Hoa Kỳ (USAGM), nơi quản lý (VOA), đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng và các cộng tác viên khác đang bị giam cầm, như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy.
Thống kê từ phong vũ biểu tự do báo chí của RSF cho biết có 38 nhà báo hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, nơi được tổ chức này cho là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới.
RSF nói rằng các nhà chức trách Việt Nam “tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt các bản án khắc nghiện với mục đích loại bỏ mọi chỉ trích của các nhà báo.”
Việt Nam đã nhiều lần phản bác các báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong đó có RSF, về sự thiếu tự do báo chí ở quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Việt Nam có tự do báo chí và điều này thể hiện qua “sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dụng của báo chí Việt Nam” cũng như việc “hơn 70% dân Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.”