RSF kêu gọi Việt Nam thu hồi Luật An ninh mạng

RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí năm 2018. (Ảnh: RSF.org)

Với 423 phiếu thuận và 15 phiếu chống, Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/6. Không hề có một thay đổi, đạo luật mới này là bản sao từ luật an ninh mạng có hiệu lực tại Trung Quốc từ tháng 6 năm 2017, theo nhận định của tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp.

Điều 8 và điều 15 hình sự hóa việc “phủ nhận những thành tựu của cách mạng,” “xúc phạm anh hùng quốc gia” và “cung cấp tin tức sai lạc gây xáo trộn trong dân chúng”. Đây là những điều khoản mơ hồ có thể áp dụng đối với bất cứ ai đưa tin lên mạng không làm nhà cầm quyền hài lòng, RSF nói.

Một diều khoản đáng báo động khác, theo RSF, là yêu cầu các công ty như Google, Facebook kiểm duyệt bất cứ nội dung nào bị chính phủ xem là gây tranh cãi, buộc các công ty này lưu trữ dữ liệu của người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam và trao dữ liệu cho nhà cầm quyền Việt Nam theo yêu cầu. Luật có hiệu lực vào tháng 1/2019.

Ông Daniel Bastard, đứng đầu văn phòng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF nói: “Chúng tôi yêu cầu các nhà lập pháp Việt Nam thu hồi luật mới khắc nghiệt này, vốn là công cụ để củng cố sự kiểm soát của chính phủ đối với việc tiếp cận thông tin.”

“Bất chấp nhà cầm quyền đã bỏ tù khoảng 30 blogger, theo dõi các hoạt động trên mạng và sử dụng đạo quân mạng khổng lồ, Internet vẫn là nơi duy nhất mà công dân Việt Nam có thể trao đổi những tin tức đáng tin cậy, độc lập. Đảng lãnh đạo hiện nay muốn tiêu diệt tập họp phản kháng này. Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ trên mạng không nhượng bộ những đe dọa không thể chấp nhận được từ luật này.”

RSF nói ngay cả khi không có báo nào bên truyền thông lề phải có thể thảo luận về luật mới, nhiều khuôn mặt nổi tiếng Việt Nam, kể cả các đảng viên, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Thông cáo từ RSF viết rằng các nhà trí thức, luật sư, cựu chiến binh và ngay cả đại biểu quốc hội không những chỉ lên án tính chất ngăn chặn mạnh mẽ quyền được thông tin, mà còn trên hết là vạch trần việc thi hành luật mới có thể ảnh hưởng tai hại đến kinh tế quốc gia. Hơn 63.000 người đã ký vào một kiến nghị phản đối luật này.

Vào ngày 10/6 hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình trên toàn quốc vì lo lắng về kinh tế và chủ quyền Việt Nam phát sinh từ luật mới. “Chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng,” là một trong những khẩu hiệu mới, đang được lưu truyền trên mạng xã hội.

Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm chót bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF, hiện đứng thứ 175 trên 180 nước trong bảng xếp hạng 2018.

(Nguồn RSF)