Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Việt Nam bênh vực Luật An ninh mạng


Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.

Bất chấp chỉ trích từ người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về những hạn chế của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cho rằng bộ luật này là cần thiết “trong bối cảnh hiện nay.”

Dự luật An ninh mạng của Việt Nam quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng - bị chính phủ Mỹ chỉ trích là “hạn chế tự do biểu đạt” - đã được quốc hội ở Hà Nội thông qua hôm 12/6 với hơn 86% đại biểu tán thành.

(Dự luật này) phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn BGN

Truyền thông trong nước dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm 14/6 rằng “an ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng.”

Bà Thu Hằng khẳng định “xây dựng dự luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.”

Dự thảo luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua hôm 12/6 với hơn 86% đại biểu tán thành.
Dự thảo luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua hôm 12/6 với hơn 86% đại biểu tán thành.

Nguyễn Lân Dũng, một cựu đại biểu quốc hội, nói với VOA rằng cần phải có luật này trong trường hợp nó được dùng để ngăn chặn việc “phá hoại những thành quả cách mạng”, tuy nhiên không nên dùng để “hạn chế quyền tự do dân chủ” của người dân.

“Làm thế nào để hạn chế những gì có hại nhưng đừng hạn chế tự do dân chủ," theo ông Dũng. "Nói xấu chế độ, làm hại chế độ thì nên hạn chế nhưng đừng hạn chế quyền tự do dân chủ, nguyện vọng phát biểu của người dân.”

Ông Dũng, cũng là một giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội, nói cần phân biệt giữa “phá hoại thành quả cách mạng với nguyện vọng phát biểu của người dân”. Ông cho rằng “trách nhiệm của người soạn luật là phải cân nhắc ranh giới giữa hai việc đó.”

Trước đó nhiều người dân đã biểu tình phản đối dự luật an ninh mạng, trong khi các tổ chức trong nước và thế giới kêu gọi các đại biểu quốc hội không thông qua dự luật này.

Một ngày trước khi Quốc hội biểu quyết, hôm 11/6 một nhóm gần 80 luật sư trong nước đã ký tên vào một bản kiến nghị, yêu cầu các đồng nghiệp trong Quốc hội không "bấm nút" thông qua dự thảo luật với lý do đạo luật có thể “dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người”, “cản trở tiến bộ xã hội” và “kìm hãm phát triển kinh tế”.

Nói xấu chế độ, làm hại chế độ thì nên hạn chế nhưng đừng hạn chế quyền tự do dân chủ, nguyện vọng phát biểu của người dân.
Nguyễn Lân Dũng, cựu Đại biểu Quốc hội

Bản kiến nghị cũng cho rằng dự luật này "gây hại cho nhà nước pháp quyền" và "phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam".

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, nói rằng: “(Dự luật này) phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Chính phủ Mỹ hôm 12/6 bày tỏ “thất vọng về việc thông qua Luật an ninh mạng mới ở Việt Nam”. Tổ chức Ân xá Quốc tế miêu tả việc thông qua này là một cú giáng nặng nề vào tự do ngôn luận và tự do biểu đạt ở Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG