Ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản trong thời gian đang bị điều tra khiến dư luận nghi ngờ cựu giới chức của tỉnh này đã ‘hạ cánh’ an toàn ở nước ngoài sau khi gây ra những thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Báo Thanh Niên hôm nay cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên của báo này vào chiều 6/9 và khẳng định đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản. Cùng lúc, trên mạng xã hội cũng đang lan truyền lá đơn xin ra khỏi đảng được ký tên Trịnh Xuân Thanh. Trong đơn nêu lý do xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”, tức ông Nguyễn Phú Trọng.
Tờ đơn cũng đề cập đến việc “chỉ đạo Bộ Công an vào điều tra là sai các quy định của Đảng, gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật” và việc “dùng báo chí nói sai sự thật, một chiều” khiến cho đương đơn “không có khuyết điểm, không vi phạm cũng thành vi phạm”.
Đương đơn cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài” và “do các cơ quan chịu áp lực chỉ đạo, tôi thấy rất khó để có được sự thật”.
Cũng theo báo Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy vào giữa tháng 7 để xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì lý do không còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nữa nên việc giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là “không cần thiết”.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho biết Ban Tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang nói họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi đảng, rút khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép một tháng để đi chữa bệnh nhưng ông này đã không quay trở lại cơ quan khi hết phép vào ngày 3/9.
Cùng với sự xuất hiện của lá đơn xin ra khỏi đảng, báo VnExpress dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo địa phương cho biết đã không thể liên lạc với ông Thanh qua số điện thoại ông này thường sử dụng, khiến dư luận nghi ngờ ông này đã ‘hạ cánh an toàn’ ở nước ngoài trong thời gian đang bị điều tra.
Trước đó hôm 31/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong văn bản trả lời báo chí Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ điều tra các vi phạm dẫn đến thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại đây.
Mặc dù gây thua lỗ nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được nhận các giải thưởng, huy chương và leo lên nhiều chức vụ tới ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Dư luận Việt Nam cho rằng nếu điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tới cùng sẽ lộ diện các “nhóm lợi ích” và đường dây chạy chức, chạy quyền.
Tuy nhiên việc có truy tới cùng được vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh hay không vẫn là câu hỏi mà dư luận không đặt nhiều hy vọng vì vụ này “còn liên quan người khác”, Báo Thanh Niên hôm 6/8 trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng việc đi tới cùng vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ giúp lấy lại lòng tin trong dân chúng:
“Việc đó thì toàn xã hội quan tâm, quốc hội quan tâm và cá nhân tôi là đại biểu quốc hội cũng quan tâm xem việc thực thi pháp luật như thế nào. Còn trong quá trình điều tra thì có thể có những yêu cầu khác nhau thì chưa biết được. Còn đương nhiên tôi nghĩ người dân họ rất quan tâm vì nếu làm tốt chuyện đó thì có thêm lòng tin nơi người dân, mà lúc này lòng tin là hết sức quan trọng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu bị “săm soi” vào tháng 6 vừa qua khi bị dư luận phản ứng vì sử dụng xe mang biển số xanh [biển số xe công vụ] cho chiếc xe Lexus cá nhân. Vụ việc trên đã dẫn tới những điều tra về những sai phạm trong công tác quản lý cũng như công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Việt Nam hôm 31/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã được giao điều tra về những bê bối trong việc đề bạt, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa đưa ra báo cáo chính thức.