Quyết tâm hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể thách thức cam kết đối với chế tài

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên một chương trình tin tức truyền hình tại ga đường sắt Seoul, Hàn Quốc, thứ Sáu ngày 1 tháng 4 năm 2016.

Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới của Liên Hiệp Quốc áp đặt vào tháng 3 cho đến giờ này vẫn như ngăn chặn được các nỗ lực mang tính thách thức và tăng tốc của nước này nhằm phát triển một kho vũ khí hạt nhân tiên tiến.

Vụ vi phạm mới nhất những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm những chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng diễn ra hôm thứ Năm, khi miền Bắc thử phóng một phi đạn đạn đạo tầm trung nữa. Nhưng phi đạn bị rơi vài giây sau khi được phóng đi, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Quân đội Bắc Triều Tiên đã thực hiện một vụ thử phi đạn tầm trung tương tự hồi đầu tháng này mà cũng thất bại.

Đáp lại vụ thử phi đạn mới nhất, Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng "bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa" và Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận xem liệu có nên cứu xét thêm những phản ứng nữa hay không.

Bình Nhưỡng cũng được nói là đã chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm của mình vào bất cứ lúc nào, chỉ vài tháng sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của nước này vào tháng 1.

Nghi vấn về chế tài

Những chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên thông qua vào tháng 3 được coi những biện pháp quốc tế mạnh mẽ nhất và nhằm mục đích gây áp lực buộc Kim Jong Un xem xét lại những tham vọng hạt nhân của mình.

Nhưng thay vì đưa ra những nhân nhượng, lãnh tụ trẻ tuổi của Triều Tiên đã đáp lại áp lực của quốc tế một cách nhanh chóng và giận dữ, gia tăng số lượng và tần suất những vụ thử nghiệm và đe dọa tấn công hạt nhân nhắm vào Mỹ và những nước đồng minh ở châu Á.

Đại sứ Chun Yung-woo, người từng làm cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak cho đến năm 2013, và bây giờ là một nhà phân tích của Viện Asan tại Seoul, nêu nhận định như sau:

"Theo hệ thống chế tài hiện nay tôi thấy rất ít hy vọng cho những tiến bộ thực sự trong việc giải trừ hạt nhân bất chấp những lời hô hào chế tài."

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Chun Yung-woo của Hàn Quốc đến sân bay Bắc Kinh năm 2010. Ông Yung-woo là cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Lee Myung-bak cho đến năm 2013.

Đại sứ Chun là một trong một số những nhà phân tích quốc tế đã thảo luận về mục đích và tính hữu hiệu của những biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên tại một diễn đàn của Viện Asan tại Seoul vào tuần này.

Bắc Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ khi họ tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 2006. Những biện pháp mới bao gồm cấm phần lớn thương mại khoáng sản béo bở của Bắc Triều Tiên, thanh tra tất cả hàng hóa vượt qua biên giới để truy tìm những vật phẩm phi pháp, và đưa vào danh sách đen những quan chức và tổ chức trọng yếu có liên hệ tới chương trình hạt nhân của miền Bắc.

Tín hiệu lẫn lộn của Trung Quốc

Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho việc thi hành những chế tài một cách hữu hiệu vì 90 phần trăm thương mại của Bắc Triều Tiên đi qua biên giới Trung Quốc.

Một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Dương Hy Vũ cho biết trái với những báo cáo về việc thi hành lỏng lẻo, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt những quy định nghiêm ngặt mà sẽ làm giảm đáng kể thương mại tại biên giới Trung-Triều. Ông Dương nói:

"Bạn cần phải cung cấp một tập hợp đầy đủ những tài liệu và bằng chứng cho thấy tính hợp pháp của hợp đồng của bạn, và một thủ tục phức tạp như vậy trên nguyên tắc sẽ gia tăng đáng kể chi phí toàn diện cho doanh nhân."

Tuy nhiên hôm thứ Năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa giảm nhẹ sự ủng hộ của ông đối với những chế tài với lo ngại về việc duy trì sự ổn định trong khu vực. Ông Tập nói: "Chúng tôi sẽ hoàn toàn không cho phép chiến tranh hay hỗn loạn xảy ra trên bán đảo."

Đại sứ Chun nói Bắc Kinh đang gửi những tín hiệu lẫn lộn làm suy yếu những cam kết quốc tế đối với những chế tài. Ông Chun nói tiếp:

"Thông điệp mà Kim Jong Un sẽ nhận được từ lập trường của Trung Quốc là, Đừng lo lắng về những hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi sẽ giả vờ áp đặt chế tài, nhưng không phải là chế tài không thể chịu đựng được."

Nếu Bình Nhưỡng xúc tiến như dự liệu với vụ thử hạt nhân thứ năm của mình trước khi khai mạc đại hội đảng cầm quyền của nước này vào tuần sau, cộng đồng quốc tế, kể cả Trung Quốc, có thể sẽ xem xét thêm những chế tài mà sẽ gây nên tổn hại về kinh tế vượt ra ngoài những chế tài nhắm vào quân đội và giới chóp bu.

Phân tích gia Dương nói: "Nếu họ đi xa hơn, tôi tin rằng họ sẽ nhận thêm những cú sốc nữa."

Một cuộc họp Ủy ban Trung ương được tổ chức để kỷ niệm sinh thứ 104 của người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Il Sung. Bức ảnh không đề ngày tháng này được phát hành bởi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên của Bắc Triều Tiên (KCNA) vào ngày 14 tháng 4 năm 2016.

Những bài học Iran

Ngay cả các hệ thống chế tài toàn diện nhất có thể cũng phải mất nhiều năm mới thuyết phục được một đối thủ có vẻ quyết tâm như Bắc Triều Tiên xem xét lại biện pháp răn đe hạt nhân.

"Những chiến dịch chế tài mất rất nhiều công sức. Mất một thời gian dài để có hiệu quả. Đó là một điều tôi thực sự học được từ toàn bộ kinh nghiệm Iran."

Đó là ý kiến của ông Gary Samore, người đã từng phụ trách những vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên khi ông phục vụ trong vai trò Điều phối viên của Tòa Bạch Ốc cho Kiểm soát Vũ khí và Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tổng thống Barack Obama. Ông hiện là nhà phân tích của Trung tâm Belfer cho Khoa học và Sự vụ Quốc tế của Đại học Harvard.

Ông lưu ý rằng phải mất nhiều năm để một lệnh cấm vận quốc tế làm tê liệt nhắm vào dầu của Iran để có thể gây áp lực buộc Tehran đồng ý với một thỏa thuận từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Việc Bắc Triều Tiên vội vã phát triển công nghệ hạt nhân và phi đạn có thể là một sự công nhận rằng những chế tài quốc tế sẽ thành công trong việc hạn chế những vật liệu và ngân quỹ cần thiết trong tương lai gần.

Ông Kim Jong Un đã công khai tuyên bố nước ông là một nhà nước hạt nhân và những vụ thủ phi đạn gần đây cho thấy quân đội của ông ta đã được chỉ thị tăng tốc những nỗ lực để đạt được năng lực hạt nhân tầm trung và tầm xa có thể kiểm chứng được.

Ông Samore nói, vào lúc nào đó Bắc Triều Tiên có thể tìm kiếm một thỏa thuận để đình chỉ năng lực hạt nhân hiện tại của mình để được giảm bớt những chế tài. Khi đó Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ phải xem xét mức độ thỏa hiệp mà họ sẵn sàng chấp nhận. Ông nói tiếp:

"Chúng ta cần phải suy nghĩ về thứ mà chúng ta sẵn sàng đề nghị trao đổi về mặt giảm bớt một phần chế tài và hỗ trợ, bởi vì có phần chắc chúng ta sẽ không nhận được không."

Tuy nhiên, những nhà phân tích này cho biết những biện pháp trừng phạt kinh tế dẫn tới những cuộc đàm phán cung cấp hy vọng tốt nhất cho giải pháp hòa bình đối với tình trạng đối đầu hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Obama mới đây cũng nhấn mạnh việc tăng cường răn đe quân sự và sự lệ thuộc vào hệ thống phòng thủ phi đạn để bảo vệ Mỹ và những đồng minh của mình khỏi một cuộc tấn công tiềm năng của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông bác bỏ hành động tấn công quân sự nhắm vào miền Bắc, nói rằng trong khi lực lượng đồng minh của Mỹ cuối cùng sẽ chiến thắng, song cũng không tránh được tổn thất nhân đạo có tính tàn phá đối với Hàn Quốc.