Nam Á có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới trong công nghiệp may mặc qua việc lợi dụng chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, theo một cuộc khảo cứu mới của Ngân hàng Thế giới. Điều này không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra những cơ hội rất cần thiết cho phụ nữ.
Theo cuộc khảo cứu có tên là “Stiches to Riches” (Làm giàu từ Những mũi may) các nước Đông Á như Việt Nam và Cambodia đang chiếm thị phần xuất khẩu may mặc toàn cầu nhanh hơn so với các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.
Nhưng chi phí thấp hơn và một khối người lao động trẻ đang nẩy nở đem lại cho Nam Á một cơ hội gia tăng tầm cỡ của công nghiệp may mặc, đang tiếp tục cần nhiều lao động.
Sự kiện này rất quan trọng đối với một khu vực nơi sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động ở mức thấp một cách đáng buồn. Bộ phận nữ nhân viên trong các nhà máy may mặc cao hơn nhiều so với các công nghiệp khác: phụ nữ kiếm hơn 2/3 lực lượng lao động trong công nghiệp này ở Sri Lanka, và khoảng 1/3 ở Ấn Độ và Bangladesh.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Ấn Độ, ông Omno Ruhl, nói sự kiện này có thể giúp các nước như Ấn Độ. Ông nói: “Sự tham gia lao động nữ giới chẳng may đã xuống thấp trong khoảng 10 đến 15 năm vừa qua, và đó là một xu hướng chúng tôi thực sự muốn thấy có sự đảo ngược ở Ân Độ”.
Theo cuộc khảo cứu của Ngân hàng Thế giới, các nước với sự tham gia lớn hơn của nữ giới vào lực lượng lao động thường chứng kiến những cuộc hôn nhân trễ hơn, ít trẻ em hơn, dinh dưỡng tốt hơn và số học sinh ghi danh đi học nhiều hơn, cũng như tổng sản phẩm nội địa cao hơn.
Lương hướng, một yếu tố chủ chốt trong công nghiệp, vào khoảng từ nửa đôla một giờ ở Bangladesh đến trên 1 đôla ở Ấn Độ. Mức này thấp hơn khoảng 2,5 đôla ở Trung Quốc.
Song mặc dầu những công việc này đã cải thiện đời sống của phụ nữ, điều kiện làm việc trong khu vực đã bị chú ý.
Lời cảnh báo lớn nhất được đưa ra vào năm 2013, khi xảy ra vụ sập tòa nhà Rana Plaza 8 tầng ở Bangladesh gây thiệt mạng cho hơn 1.100 công nhân xưởng dệt may và đưa ra ánh sáng những điều kiện làm việc nguy hiểm trong công nghiệp này.
Ông Rob Wayss thuộc Tổ chức Thỏa thuận về Hỏa hoạn và An toàn Xây dựng của Bangladesh nói các cơ hội tăng trưởng trong khu vực sẽ không được thực hiện đầy đủ mà không có nỗ lực đồng thời nhằm cải thiện các nhà máy. Tổ chức này đang đi khởi xướng một cuộc cải tổ an toàn trong công nghiệp dệt may.
Ông Wayss nói: “Công nghiệp này không thể phát triển ở Bangladesh và các nơi khác ở Nam Á mà không có sự chú ý sít sao về an toàn và tuân hành. Các nhãn hiệu và các hãng bán lẻ toàn cầu đang chú ý theo dõi các điều kiện trong các nhà máy”.
Cuộc khảo cứu của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn, lương cao hơn và các sản phẩm có giá trị hơn.
Ông Ruhl cũng kêu gọi Ấn Độ khuyến khích thêm đầu tư nước ngoài trong khu vực và tăng cường kích cỡ các doanh nghiệp từ cỡ nhỏ lên cỡ trung bình.
Công nghiệp dệt may tuyển dụng khoảng 5 triêu công nhân trong khu vực chính thức, và nhiều triệu công nhân trong khu vực không chính thức.