Quốc hội Trung Quốc bàn cách giải quyết rối loạn ở Tây Tạng

  • Shannon Sant

Champa Phuntsok, chủ tịch Khu tự Trị Tây Tạng (trái) và Padma Choling tỉnh trưởng Tây Tạng dự cuộc thảo luận Đại hội Đại biểu Nhân dân ở Bắc Kinh, 8/3/13

Hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối các chính sách của chính phủ Trung Quốc và đa số các vụ tự thiêu đã xảy ra trong năm vừa qua. Trong lúc các đại biểu trên khắp nước tụ tập ở Bắc Kinh để dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, các đại biểu của Khu Tự trị Tây Tạng đã bị các nhà báo chất vấn về tình trạng rối ren ở khu vực của họ.

Trong vài tháng qua những vụ phản kháng đã gây rúng động cho các cộng đồng trên khắp cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, với việc học sinh sinh viên, nông dân, tài xế tắc xi và tu sĩ thực hiện những cuộc biểu tình qui mô lớn và tự thiêu.

Các giới chức cao cấp của Khu Tự trị Tây Tạng đã lập lại chủ trương là tình hình sẽ được cải thiện qua việc tăng cường công tác phát triển kinh tế.

Ông Baima Chilin, người đứng đầu Đại hội Đại biểu Nhân dân Khu tự trị Tây Tạng, nói rằng các giới chức chính quyền Tây Tạng phải ra sức học hỏi những chính sách của các đồng chí của họ ở khu vực duyên hải miền đông.

Ông cho rằng Tây Tạng phải để cho các nhà đầu tư tới khu vực này kinh doanh để làm giàu, vì các nhà đầu tư kiếm được tiền nhiều chừng nào thì Tây Tạng sẽ phát triển nhiều chừng đó.

Trung Quốc đã cải thiện cơ sở hạ tầng ở cao nguyên Tây Tạng trong nhiều năm qua, như xây xa lộ và làm những con đường mới để nối kết các vùng hẻo lánh và cải thiện điều kiện cư trú của các nhà sư.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng các khoản đầu tư này không giúp ích gì nhiều cho việc ngăn chận những vụ phản kháng tại các cộng đồng của người Tây Tạng.

Bà Woeser, một blogger và là một nhà tranh đấu nổi tiếng người Tây Tạng


Bà Woeser là một nhà tranh đấu nổi tiếng của Tây Tạng. Bà cũng là một người viết blog ở Trung Quốc, chuyên tường thuật về những vụ phản kháng.

Bà Woeser nói rằng nhìn vào bề ngoài thì người Tây Tạng có được tất cả những thứ mà họ cần để ăn để mặc và mọi việc dường như khá tốt đẹp, nhưng về phương diện tình cảm họ phải sống trong tủi nhục.

Bà nói thêm rằng tình huống đó và nạn bất bình đẳng ngày càng tăng đã làm cho con số những vụ phản kháng gia tăng trong vài năm vừa qua.

Trung Quốc đã ứng phó với những vụ phản kháng bằng cách thực hiện một vụ trấn áp mạnh tay, tăng cường việc giám sát các tu viện và bắt giữ hàng trăm nhân vật bất đồng chính kiến.

Chính phủ đã loan báo là những ai khích động các vụ tự thiêu sẽ bị truy tố về tội sát nhân. Họ cũng tố cáo là những vụ phản kháng được chỉ đạo bởi những người theo Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong ở Aán Độ.

Đại biểu Quốc hội Baima Chilin hôm nay nói rằng giới hữu trách có những bằng chứng cho thấy “tập đoàn Đạt Lai” là kẻ chủ mưu của những vụ tự thiêu. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng giới hữu trách sẽ không trình bày những bằng chứng đó cho các nhà báo.

Không có mấy ai nghĩ rằng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ thay đổi cách thức ứng phó với những vụ phản kháng ở Tây Tạng hay mở lại những cuộc thương thuyết với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đôi bên đã không họp với nhau kể từ tháng 1 năm 2010.