Đường dẫn truy cập

Người Tây Tạng bi quan về nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc


Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong lúc các đại biểu quốc hội Trung Quốc nhóm họp để chính thức chọn ông Tập Cận Bình làm người giữ chức Chủ tịch nước, các nhân vật tranh đấu Tây Tạng cho rằng sự chuyển tiếp chính trị ở Bắc Kinh không mang lại thay đổi nào đáng kể trong chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Tây Tạng. Từ Ấn Độ, nơi đặt trụ sở của chính phủ lưu vong Tây Tạng, thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong cuộc nói chuyện tại New Dehli với đài VOA trước khi phiên họp của Hộï nghị Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lobsang Sangai của chính phủ lưu vong Tây Tạng đã cho biết ý kiến như sau về nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Ông Sangay nói: "Chúng tôi hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ xem xét lại các chính sách cứng rắn ở Tây Tạng, hiểu được là các chính sách này đã thất bại và áp dụng các biện pháp cải cách để đáp ứng những khát vọng của người dân Tây Tạng. Nếu được như vậy thì sẽ có hòa bình và hòa hợp ở Tây Tạng. Nhưng nếu nhìn vào 50 năm qua, thì chúng ta khó lòng cảm thấy lạc quan."

Giáo sư Micahel Davis, một chuyên gia về hiến pháp Trung Quốc, cho biết các vấn đề ưu tiên của ông Tập Cận Bình có phần chắc sẽ bao gồm quản lý kinh tế, bài trừ tham nhũng và ứng phó với chiến lược trục xoáy Á châu của Hoa Kỳ, chứ không phải đánh giá lại các chính sách về Tây Tạng.

Ông Davis nói: "Tây Tạng đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh là một vấn đề về an ninh. Chúng ta muốn nghĩ là họ có thể nhìn ra vấn đề là nếu có quá nhiều sự bất đồng bên trong xã hội Tây Tạng thì có lẽ lời giải đáp không phải là đàn áp thêm nữa. Chúng ta mong họ hiểu được rằng một đường lối mềm dẻo hơn, phóng khoáng hơn và tôn trọng văn hóa và quyền tự trị của người Tây Tạng là một đường lối có tính chất xây dựng hơn."

Tuy đã từ bỏ quyền hành chính trị, Đức Đạt lai Lạt ma vẫn tiếp tục là một biểu tượng được người Tây Tạng sùng kính và là mục tiêu đả kích của nhà cầm quyền Bắc Kinh
Tuy đã từ bỏ quyền hành chính trị, Đức Đạt lai Lạt ma vẫn tiếp tục là một biểu tượng được người Tây Tạng sùng kính và là mục tiêu đả kích của nhà cầm quyền Bắc Kinh
Ông Tsering Tsomo, một nhà tranh đấu dân quyền Tây Tạng, nói rằng Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa nhận thức được thực tế là người Tây Tạng đã bác bỏ một cách hoàn toàn những chính sách về ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo của Trung Quốc, những chính sách làm cho người Tây Tạng bị gạt ra bên lề xã hội trên chính quê hương của mình.

Ông Tsomo nói: "Những chính sách này là một cái áo khoác dùng để che đậy những mưu toan nhằm thay đổi thân phận của người Tây Tạng và biến họ thành những người mà chính phủ Trung Quốc gọi là “con người mới xã hội chủ nghĩa.” Đó chính là mục tiêu của họ và nó đã được thực thi từ thời họ Mao. Việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện những chính sách này cho tới ngày hôm nay quả là một việc lạc hậu."

Tại Dharamsala, các sinh viên học sinh Tây Tạng đã tiến hành một cuộc tuyệt thực phản đối Trung Quốc tại ngôi chùa của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy đã từ bỏ quyền hành chính trị gần hai năm trước, vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này vẫn tiếp tục là một biểu tượng được người Tây Tạng sùng kính và là mục tiêu đả kích của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Bà Caroline Coutinhall, một nhà phân tích tình hình Tây Tạng, nói rằng vị lãnh tụ tinh thần này sẽ già hơn 80 tuổi trước khi ông Tập Cận Bình chấm dứt nhiệm kỳ 5 năm lần thứ nhất.

Ông Coutinhall nói: "Đang có thay đổi trong Bộ Chính trị của chính phủ Trung Quốc. Đương nhiên đó là một điều quan trọng. Nhưng điều đó không quan trọng bằng cuộc chuyển đổi quyền lực khi Đức Đạt Lai Lạt Ma từ trần."

Trong thời gian gần đây, nhiều người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, nhiều người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, nhiều người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc. Một thiếu nữ Tây Tạng bỏ trốn sang Ấn Độ sau cuộc nổi dậy ở Lhasa năm 2008 phát biểu như sau.

Những vụ tự thiêu cho thấy tình hình ở Tây Tạng bi đát tới mức nào. Đây là phương cách cuối cùng. Nhưng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma từ trần, có thể người Tây Tạng sẽ tiến hành một cuộc phản kháng có vũ trang. Họ sẽ thay đổi từ phản kháng hòa bình thành phản kháng phi hòa bình.

Mấy mươi năm lưu vong không hề làm cho lòng ao ước hồi hương của những người Tây Tạng bị sút giảm. Và tuy không có được tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán chính trị với Trung Quốc, Thủ tướng Lobsang Sangay nói rằng người dân Tây Tạng đang chiếm được ưu thế thời gian.

Ông Sangay nói: "Đạo Phật đã tồn tại gần 2.600 năm. Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ tồn tại chừng 100 năm. Cho nên không có vấn đề cạnh tranh ở đây. Tôi thật sự tin tưởng là chúng tôi sẽ thấy được người dân Tây Tạng được hưởng các quyền tự do cơ bản và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ trở về Tây Tạng."

Từ Ấn Độ, nơi họ sống lưu vong, những người Tây Tạng này tiếp tục thực hiện một cuộc vận động chính trị đang được chuyển giao từ thế hệ này cho thế hệ kế tiếp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG