Sẽ là một “lằn ranh đỏ” tuyệt đối nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, một quan chức cấp cao của Liên hiệp châu Âu ngày 3/3 cảnh báo, đồng thời cho biết thêm rằng EU sẽ đáp trả bằng các chế tài.
Các bình luận này phản ánh đúng phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 2/3 cảnh cáo Bắc Kinh chớ nên cung cấp viện trợ như vậy cho Moscow khi Nga tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.
“Chớ cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho kẻ xâm lược Nga,” ông Scholz nói trong một bài phát biểu tại quốc hội Đức trước cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington vào ngày 3/3.
Ông Scholz và ông Biden thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cũng như về Trung Quốc khi họ gặp nhau tại Toà Bạch Ốc.
Trung Quốc phủ nhận mọi ý định trang bị vũ khí cho Nga.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cảnh báo với người đồng cấp Trung Quốc rằng sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Canada sẽ không được dung thứ, trong bối cảnh có những lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra công khai rộng rãi về cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào hai cuộc bầu cử vừa qua tại Canada.
“Canada sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào nền dân chủ và công việc nội bộ của chúng tôi bởi Trung Quốc,” bà Joly nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc gặp đầu tiên của họ, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, theo một tuyên bố vào ngày 3/3.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các quan chức an ninh hàng đầu của Canada thừa nhận có các nỗ lực can thiệp của Trung Quốc, nhưng họ nhấn mạnh rằng kết quả bầu cử không bị thay đổi.
Truyền thông Canada gần đây đã công bố các báo cáo chi tiết, trích dẫn các nguồn tin tình báo ẩn danh, cáo buộc các kế hoạch do Bắc Kinh điều hành nhằm can thiệp vào hai cuộc bầu cử gần đây nhất của Canada.
Trước đó hôm 3/3, ông Tần đã bác bỏ cáo buộc rằng các toà đại sứ và toà lãnh sự Trung Quốc tại Canada đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử ở Canada, nói rằng cáo buộc đó là “hoàn toàn sai và vô nghĩa.”
Những cáo buộc công khai của Ottawa về các âm mưu bí mật của Trung Quốc nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Canada đã tạo thêm một lớp phức tạp khác cho quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước.
Căng thẳng giữa hai nước tăng cao vào cuối năm 2018 khi cảnh sát Canada bắt giữ một giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc Huawei Technologies Co, sau đó là việc Bắc Kinh bắt giữ hai người Canada với cáo buộc gián điệp. Cả ba đều được trả tự do vào năm 2021.
Một ủy ban quốc hội Canada điều tra can thiệp bầu cử đã thông qua một kiến nghị không ràng buộc vào ngày 2/3 kêu gọi chính phủ liên bang thiết lập một cuộc điều tra công khai, gia tăng áp lực lên ông Trudeau để ủng hộ một cuộc điều tra rộng rãi. Hai ủy ban quốc hội đã tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ.
Trong một diễn biến khác liên quan tới Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 3/3 phản đối việc Hoa Kỳ bổ sung hai đơn vị của công ty di truyền học nổi tiếng BGI của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngừng lạm dụng mọi lý do để đàn áp các công ty Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan giám sát kiểm soát xuất khẩu, đã thêm BGI Research và BGI Tech Solutions (Hongkong) vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.