Dù Nga có lợi thế về quân số nhưng với tinh thần rệu rã, chỉ huy bất tài cùng với vũ khí lỗi thời, họ khó lòng thắng nổi người dân Ukraine quyết tâm thoát Nga với sự hỗ trợ vũ khí hiện đại của phương Tây, một nhà quan sát từ Ba Lan cho biết.
Một năm kể từ ngày phát động cuộc xâm lược Ukraine để ‘phi phát xít hóa’ và ‘phi quân sự hóa’, quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin không đạt được bao nhiêu mục tiêu và đang chống đỡ đà phản công của quân Ukraine ở vùng Donbass.
Từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, ông Phan Châu Thành, người theo dõi sát sao cuộc chiến và sát cánh giúp đỡ người dân Ukraine trong năm qua, đã đưa ra những nhận định với VOA về tương quan lực lượng giữa hai bên và triển vọng của cuộc chiến khi bước vào năm thứ hai.
‘Cơ hội duy nhất’
Ông nói ông không hề nghĩ Ukraine có thể trụ được lâu như thế vào những ngày đầu chiến tranh.
“Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố là ông không đi đâu cả, chính phủ vẫn ở đây, vẫn cùng nhau chiến đấu để giữ nền độc lập cho Ukraine, tôi mới giật mình thấy rằng quốc gia này không như mình nghĩ,” ông bày tỏ. “Từ đó tôi đã biết rằng họ có khả năng chiến thắng.”
Ông Thành, vốn ở Ba Lan hơn 30 năm và đang có công ty riêng, cho biết hồi tháng Ba năm 2022 khi chiến sự diễn ra rất khốc liệt với quân Nga tiến như vũ bão về Kiev, ông đã lái xe sang Ukraine để xem tận mắt tình hình và đã nói chuyện với người dân Ukraine từ quan chức đến dân thường.
“Tôi phát hiện họ đều có chung một suy nghĩ rằng đây là cơ hội để họ thoát được nước Nga để đi vào EU,” ông kể.
Ông thuật lại câu nói của người dân Ukraine nói với ông là họ ‘muốn một ngày nào đấy họ được như Ba Lan’.
Theo giải thích của ông Thành thì vào năm 1990 khi Liên Xô tan rã, GDP của Ukraine hơn Ba Lan 30%, nhưng sau 30 năm thì kinh tế Ba Lan đã vượt gấp ba lần kinh tế Ukraine. “Hàng năm có một triệu người Ukraine sang Ba Lan xuất khẩu lao động, họ đã nhìn thấy Ba Lan phát triển vượt bậc sau khi vào EU nên họ cũng muốn đất nước họ vào EU để được như thế,” ông nói.
Ông cho rằng là có biết lòng dân Ukraine thì ông mới hiểu tại sao chỉ trong vòng hai tháng từ sau khi chiến sự khai cuộc đã có 250 ngàn người dân Ukraine từ nước ngoài về tham gia chiến đấu chống quân Nga.
“Quyết định chiến tranh ở đây không phải từ chính phủ Ukraine mà toàn bộ người dân Ukraine cũng muốn. Họ chấp nhận chiến tranh là để có một tương lai tốt đẹp hơn,” ông nói thêm và cho biết cuộc chiến này là ‘cơ hội duy nhất’ để người dân Ukraine có thể thoát Nga nên ‘họ quyết tâm không thể thua’.
‘Dân tộc xứng đáng’
Theo quan sát của ông thì người dân Ukraine ‘thiếu thốn đủ thứ, thậm chí không có cả giày, không có tất và tất cả đều dựa vào viện trợ bên ngoài’ nhưng bù lại ‘họ có tinh thần quyết tâm của cả dân tộc’.
“Nếu tinh thần của họ rất là cao thì không ai có thể đánh thắng được họ. Không ai có thể chiến thắng được một dân tộc. Đó là điều chắc chắn,” ông khẳng định.
Kể từ đó, ông Phan Châu Thành đã theo dõi chặt chẽ những diễn biến của cuộc chiến và cập nhật liên tục trên trang cá nhân để phản bác những luận điệu mà ông cho là ‘dối trá trắng trợn, bóp méo khủng khiếp của chính quyền Putin về cuộc chiến’ để ‘mọi người biết được sự thật nhiều nhất có thể’.
Theo lập luận của ông thì phương Tây đổ tiền của vào giúp đỡ Ukraine vì đã nhận thấy họ ‘là một dân tộc xứng đáng’ vì ‘mình phải thế nào thì người ta mới hỗ trợ cho mình’.
“Chính bản thân những người Ukraine phải là những người cực kỳ xứng đáng. Cả thế giới đã thấy họ dũng cảm, họ chiến đấu vì độc lập tự do của họ thì cả thế giới mới xúm lại giúp họ.”
Về tình hình chiến sự ở Bakhmut, nơi Ukraine có thể mất trong những ngày tới khi quân Nga đang ngày càng siết chặt vòng vây, nhà quan sát này cho rằng ‘quân Ukraine sẽ không cố sống cố chết để giữ lấy một vị trí nào cả nếu cái giá phải trả quá cao’.
Theo phân tích của ông Thành thì nếu Ukraine có để mất Bakhmut thì cũng giống ở những chỗ khác, họ sẽ lui lại để bảo toàn lực lượng, lập phòng tuyến mới để chặn quân Nga và chờ đợi cơ hội để phản công giành lại.
“Thực lực của quân Nga càng ngày càng yếu. Lúc họ mạnh họ khỏe, còn đầy đủ binh tướng mà còn chẳng thắng được thì lúc này yếu đi họ có thắng được vài trận thì cũng chẳng giải quyết được gì.”
Ông Thành đề cao các tư lệnh chiến trường Ukraine: “Tất cả họ đều rất trẻ, chỉ trong độ tuổi khoảng 50. Họ biết sử dụng rất nhiều vũ khi hiện đại của phương Tây.”
Ông ca ngợi chiến thuật khôn ngoan của Ukraine là ‘dùng vũ khí chính xác, chia từng thành nhóm nhỏ chứ không tập trung, đánh đâu trúng đó, tiêu diệt hậu cần của Nga khiến quân Nga phải rút’, khác hẳn với quân Nga là dùng vũ khí cũ, tận dụng hỏa lực mạnh, quân số đông ‘ào sang bắn phá tùm lum’, và dẫn chứng hàng loạt chiến thắng của Ukraine từ sau tháng Tư năm ngoái khi họ đẩy lùi quân Nga ở Kiev, Kharkiv, Izium rồi Kherson.
Khi được hỏi mục tiêu của ông Zelenskyy là giành lại toàn bộ vùng Donbass và thậm chí cả bán đảo Crimea liệu có khả thi, ông Thành nói: “Nếu như bây giờ Ukraine không giành lại được những vùng đất mà Nga chiếm đóng thì họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội thứ hai được nữa, nên bằng mọi giá họ phải giành lại càng nhiều càng tốt.”
Nga chỉ là hổ giấy?
Nhận xét về thực lực của quân Nga, ông cho rằng Nga có lợi thế so với Ukraine về mặt quân số và ‘hỏa lực của quân Nga mạnh hơn Ukraine đến 10 lần’.
Tuy nhiên, ngoài quân số và hỏa lực thì sức mạnh của quân Nga ‘chủ yếu ở trên giấy’ chứ ‘thực chiến không được như họ nói’’.
Ông chỉ ra việc phía Nga tuyên bố sẽ cấp một triệu bộ trang bị cho binh lính nhưng ‘thực tế lại không có’ hay vụ việc ‘600 xe tăng để trong kho khi đưa ra thì không chạy được vì thiếu linh kiện’, trong khi đó ‘Bộ trưởng quốc phòng Nga mới xây xong dinh thự trị giá 20 triệu đô la’.
“Các chỉ huy chiến trường Nga toàn là tham nhũng. Họ rút ruột hết. Họ không quý sinh mạng của binh lính của họ nên quân Nga dù đông hơn nhưng họ không có tinh thần chiến đấu,” nhà quan sát này nhận xét.
“Các chỉ huy chỉ huy cho có. Lính đánh cho có. Trong trường hợp thấy khó quá thì thôi bỏ chạy.”
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra là Nga chủ yếu dùng vũ khí cũ mà ông cho là ‘chỉ hiệu quả trong thế kỷ 20 chứ không có tác dụng trong thế kỷ 21’ và ‘khác hẳn vũ khí chính xác của phương Tây’.
Về tập đoàn lính đánh thuê Wagner, vốn giúp Nga giành được một số bước tiến trên chiến trường, ông Thành nói: “Đám Wagner là đám ô hợp, hung ác, không được huấn luyện, không có gì cả ngoài sự liều lĩnh.”
Theo lời ông Thành, quân Nga bây giờ buộc phải sử dụng lính dự bị mới được động viên nên ‘huấn luyện kém, thiếu chuyên nghiệp’ trong khi ‘vũ khí ngày càng ít đi’.
Vai trò phương Tây
Mặc dù ca ngợi tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine, nhưng ông Phan Châu Thành cho rằng yếu tố quyết định cuộc chiến là ‘vũ khí phương Tây’ mà ông cho rằng nếu không có thì ‘chắc chắn Ukraine đã thua từ sớm và đã mất hết lãnh thổ vào tay Nga rồi’.
“Thật sự nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây thì Ukraine muốn đánh nhau cũng không có cái gì để mà đánh.”
Ông chỉ ra trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân Ukraine đã dùng tên lửa vác vai Javelin và Stinger để phục kích trực thăng Nga từ trong các thành phố. Đến giai đoạn hai khi hai bên dàn quân đánh nhau thì tên lửa HIMARS giúp Ukraine đánh phá cơ sở hậu cần của Nga khiến họ phải rút lui, như trong trận đánh ở Kherson.
“Khi mà quân Ukraine được phương Tây cấp hệ thống phòng không thì không quân Nga không còn hoạt động nữa, họ chỉ dùng drone tự sát chứ không thấy dùng máy bay bắn phá hay oanh tạc. Điều đó chứng tỏ không quân Nga rất là kém, không làm chủ được bầu trời,” ông phân tích.
Nhà quan sát này không cho rằng sẽ có lúc người dân phương Tây sẽ mệt mỏi vì hỗ trợ cho Ukraine. Ông nói: “Bất chấp thiệt hại kinh tế, bất chấp cuộc sống càng khó khăn, người dân phương Tây hiểu rằng nếu để cho Nga chiến thắng, nếu để cho Putin làm được gì những gì ông ta muốn thì nó sẽ làm thay đổi trật tự thế giới. Khi đó những nước mạnh hơn sẽ nghĩ họ có thể xâm lược nhhững nước xung quanh.”
Theo lời ông thì nếu thế giới đại loạn thì ‘lúc đó tổn thất kinh tế còn khủng khiếp hơn bây giờ’ nên người dân phương Tây hiểu rằng ‘họ phải chặn Putin đến cùng’.
‘Đánh đến khi Nga rút’
Về triển vọng cuộc chiến, ông Thành cho biết ông đã nói chuyện với nhiều người dân Ukraine và ai cũng nói rằng ‘sẽ không có chuyện Ukraine đàm phán để nhượng bộ lãnh thổ cho Nga’.
“Người Ukraine cho rằng nếu nhượng bộ lãnh thổ cho Nga thì đó là phản quốc.”
Ông nhận định phía Ukraine đã hứng chịu tổn thất nhân mạng rất lớn, không thua gì phía Nga, nhưng người dân ‘Ukraine chấp nhận hy sinh, họ vẫn quyết tâm chiến đấu chứ không chịu đầu hàng’.
Do đó, ông cho rằng cuộc chiến ‘sẽ kéo dài cho đến khi nào quân Nga chịu không nổi nữa phải rút về’. Ngay cả khi quân Nga có thể thắng được ở Ukraine thì ông cho rằng người dân Ukraine ‘sẽ tổ chức cuộc chiến du kích khắp lãnh thổ khiến quân Nga không thể chịu được’.
“Khi dân tộc người ta đã quyết định như thế, khi dân tộc người ta đã chấp nhận là họ sẽ hy sinh tất cả để chiến đấu thì chẳng ai có thể thắng được họ cả.”
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn