Hơn hai tuần sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố tái đắc cử, Mỹ và các nước phương Tây khác mới chỉ đưa ra rất ít tín hiệu về hành động cứng rắn và mau lẹ đối với hành vi bị lên án là gian lận bầu cử, trong con mắt của các nước phương Tây, theo tin của Reuters.
Phần lớn các chính phủ yêu cầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) công bố đầy đủ số phiếu bầu sau khi cả ông Maduro và ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez đều tuyên bố họ giành chiến thắng.
Theo dữ liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc, các cuộc biểu tình phản đối ông Maduro sau cuộc bỏ phiếu đã bị đàn áp, khiến 23 người thiệt mạng và khoảng 2.400 người bị bắt.
Một quan chức tại một đại sứ quán, người không được phép phát biểu công khai, đã nói với Reuters rằng các chính phủ phương Tây đang cố gắng “tiến hành từ từ”, không nước nào muốn hành động trước.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 13/8: “Đây không phải là cuộc chạy đua để xem ai có thể đi xa nhất bằng lời nói khi đưa ra các yêu cầu mà không có hiệu quả, mà là làm sao phảicó hiệu quả trong việc chúng ta hỗ trợ cho nền dân chủ ở Venezuela”.
Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, hôm 12/8 kêu gọi công bố hồ sơ bỏ phiếu, chấm dứt đàn áp chính trị và tổ chức đối thoại giữa những đối thủ. Khối này không báo hiệu là sẽ có bất kỳ hành động nào.
Ba quan chức từ các quốc gia khác nhau nói rằng đang có phản ứng chừng mực như hiện nay là vì họ lưu tâm đến những gì đã xảy ra sau khi ông Maduro tái đắc cử vào năm 2018.
Một chính phủ lâm thời do phe đối lập lãnh đạo đã được công nhận rộng rãi ở nước ngoài, nhưng nỗ lực đó cuối cùng đã tan thành mây khói, điều này củng cố quyền lực cho ông Maduro.
Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng không làm phức tạp con đường phía trước của phe đối lập, do bà Maria Corina Machado và ứng cử viên Gonzalez lãnh đạo, khi người dân Venezuela tìm kiếm “những nhượng bộ dù chỉ nhỏ thôi” từ ông Maduro, một người am tường về chính sách của Washington cho biết.
Một số nhượng bộ đó có liên quan đến các kênh liên lạc cởi mở giữa hai bên mà phe đối lập hy vọng có thể dẫn đến một phán quyết khách quan về kết quả bầu cử và khả năng chuyển đổi chính trị.
Ba nguồn tin cho hay các quan chức Mỹ đã liên lạc với các đối tác khu vực và quốc tế để phối hợp cách phản ứng cho ăn ý. Một cách thận trọng, Mỹ đã công nhận ông Gonzalez là người chiến thắng, nhưng không gọi ông là tổng thống đắc cử.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel nói hôm 12/8: “Bây giờ là lúc các bên của Venezuela bắt đầu thảo luận về một quá trình chuyển đổi một cách tôn trọng lẫn nhau và hòa bình”.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói với Reuters hôm 13/8 rằng Washington đang đánh giá những gì ông Maduro và các đại diện của ông ta đang hoặc sẽ thực hiện và “sẽ có phản ứng phù hợp”.