Phu mỏ than Trung Quốc đình công ở tỉnh Hắc Long Giang

Người biểu tình tràn ngập đường phồ, tụ tập trước trụ sở văn phòng chính phủ và tại các trạm xe lửa.

Nhiều ngày biểu tình của các công nhân mỏ than trong tỉnh Hắc Long Giang đã buộc một quan chức cấp cao lên tiếng tạ lỗi về việc không trả lương. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, các nhà phân tích cho rằng vụ tranh chấp này chỉ là một ví dụ nhỏ của những thách thức to lớn mà Trung Quốc đang đối mặt trong lúc tìm cách loại bỏ năng suất dư thừa và chuyển người lao động ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước.

Những cuộc biểu tình phản kháng đã lên tới cao điểm vào cuối tuần qua, khi hàng ngàn công nhân không được trả lương tại thành phố Song Áp Sơn rủ nhau xuống đường và ngăn chận đường xe lửa để phản đối điều họ gọi là "lời nói láo trắng trợn" của Tỉnh trưởng Lục Hạo.

Ông Liêu Thành, một nhân vật tranh đấu ở tỉnh Hắc Long Giang, nhận định như sau: "Vấn đề mà vụ Song Áp Sơn phô bày chỉ là phần nổi của tảng băng. Vấn đề không trả lương cho công nhân đã trở thành một vấn đề khá phổ biến. Trong lúc kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, tranh chấp lao động sẽ tiếp tục trở nên tệ hại hơn."

Công nhân tức giận vì không được trả lương

Vào hôm 13 tháng 3, Tỉnh trưởng Lục Hạo nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị ở Bắc Kinh rằng Tập đoàn Long Môi, công ty than đá quốc doanh lớn nhất tỉnh, chưa hề trả lương trễ cho 80.000 công nhân của họ. Ông khẳng định "tiền lương được trả không thiếu một xu."

Nhưng phát biểu đó đã gây phẫn nộ cho nhiều người thợ mỏ than ở Hắc Long Giang, những người nói rằng họ chưa được trả lương từ 6 tháng nay.

Những bức hình và những đoạn video phổ biến trên mạng cho thấy người biểu tình tràn ngập đường phố, tụ tập trước trụ sở văn phòng chính phủ và tại các trạm xe lửa. Giới hữu trách đã phái hàng trăm nhân viên cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ nhiều người.

Tối ngày 13 tháng 3, trong lúc cuộc phản kháng gia tăng cường độ, ông Lục Hạo đã lên tiếng tạ lỗi để tìm cách xoa dịu tình hình. Theo tường thuật của tờ Bắc Kinh Thời báo hôm 14/3, ông Lục nói: "Sai lầm là sai lầm. Không thể biện bạch gì cả."

Mặc dù vậy, trên trang mạng Freeweibo.com, Song Áp Sơn đã trở thành đề tài hàng đầu bị kiểm duyệt. Nhiều người sử dụng Internet nói rằng vụ này cho thấy sự thối nát của các quan chức tỉnh, và một số người nói ông Lục Hạo nên nhận trách nhiệm và từ chức.

Người biểu tình phẫn nộ vì không được trả lương trong 6 tháng nay.

Chính thức tạ lỗi

Ông Lục Hạo cho rằng ông đã được báo cáo không đúng sự thật và ông đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 12 tháng 3 để thảo luận về những cách thức để giải quyết vấn đề nợ nần của tập đoàn Long Môi. Ông kết luận là với sự hỗ trợ của chính quyền, công ty này sẽ huy động ngân khoản để trả lương công nhân, đồng thời chuyển 50.000 công nhân sang làm việc trong các ngành khác như lương thực hay du lịch.

Những người tranh đấu cho quyền của người lao động nói rằng vụ tranh chấp sẽ không chấm dứt trong nay mai.

Ông Jeff Crothal, người phát ngôn của Bản tin Lao động Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết: "Chính phủ, chính quyền tỉnh hứa hẹn là một chuyện. Còn các công ty liên hệ có thật sự huy động ngân quỹ để trả lương công nhân hay không là một chuyện khác. Tôi không tin là vấn đề này sẽ được một cách chóng vánh."

Công nghiệp khai thác than đá của Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề dư thừa công suất. Năm ngoái, hơn 90% các mỏ than ở nước này bị lỗ.

Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Than đá Toàn quốc cho thấy khu vực này sản xuất 3,37 tỉ tấn thanh trong 11 tháng đầu của năm 2015, giảm 3,54% so với cùng thời gian đó của năm 2014.

Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới đây, chính phủ dự trù giảm thêm 1 tỉ tấn trong sản lượng than.

Những người tranh đấu cho quyền của người lao động nói rằng vụ tranh chấp sẽ không chấm dứt trong nay mai.

Vấn đề nhỏ?

Công suất dư thừa là một thách thức lớn của nhiều công nghiệp nặng của Trung Quốc, trong đó hầu hết là do nhà nước làm chủ.

Ông Tào Hòa Bình, giáo sư kinh tế học của Đại học Bắc Kinh, cho biết tuy việc cải cách doanh nghiệp nhà nước là một việc khó khăn, nhưng việc xử lý vấn đề dư thừa công nhân hiện nay tương đối dễ so với vụ khủng hoảng mà các doanh nghiệp này gặp phải vào năm 1993 và 1994.

Ông Tào nói: "Khó khăn của ngày hôm nay nhỏ hơn rất nhiều. Lúc trước, có 30 triệu công nhân dư dôi. Ngày nay, con số này chưa tới 1,8 triệu người."

Ông Tào cho biết thêm rằng trong số 1,8 triệu đó, số người thật sự bị sa thải sẽ nhỏ hơn sau khi các doanh nghiệp nhà nước thực hiện những kế hoạch tái cơ cấu, mua bán hoặc sáp nhập. Ông bày tỏ tin tưởng là chính phủ Trung Quốc hiện nay đang ở trong một vị thế tốt hơn để ứng phó với một vụ khủng hoảng qui mô nhỏ.