Vào lúc cuộc Cách mạng Dù kéo dài qua thời kỳ nhạy cảm ngày lễ kỷ niệm 65 năm lập quốc của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quan ngại gia tăng về thiệt hại mà việc chiếm đóng khu vực trung tâm kinh doanh của Hong Kong có thể gây ra cho nền kinh tế. Trong khi sự ủng hộ dành cho phong trào rất rộng rãi, theo tường thuật của thông tín viên VOA Ivan Broadhead từ các đường phố của Hong Kong, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bắt đầu chịu đựng thiệt hại.
Hôm thứ tư trong luồng giao thông cuồn cuộn của Kowloon, một người lái xe đã bị bắt giữ vì tìm cách luồn lách qua đám đông nhiều ngàn người biểu tình đòi dân chủ. Trong khi cảnh sát chận người lái xe, một người chủ cửa hàng tên là Kwok nói với các phóng viên rằng ông ta thông cảm với người lái xe, và rằng các đám đông người tranh đấu là một sự khó chịu ngày càng tăng và gây trở ngại cho những người bình thường đi làm ăn.
“Họ gây rối cho công việc của tôi và tất cả những người đi làm, đi học, và họ gây rắc rối cho những người khác nữa.”
Đó là các đại công ty và những toà nhà chọc trời lấp lánh.
Nhưng kể từ tháng 12 năm 2013, các xí nghiệp cỡ nhỏ và trung bình chiếm hơn 98% các đơn vị kinh doanh của Hong Kong và 48 phần trăm khu vực tuyển dụng tư nhân.
Phong trào Chiếm Trung đang gây thiệt hại cho các nhà kinh doanh và mọi sự sẽ xấu đi nếu cuộc biểu tình kéo dài lâu hơn, theo ông Sam Pannu, một nhà sản xuất ngành dệt may.
“Những người có đầu óc kinh doanh ở Hong Kong thực sự lấy làm lo ngại. Các bạn thấy đó, đằng kia các doanh nghiệp và ngân hàng ở trung tâm đóng cửa. Nó thực sự tác động đến công cuộc làm ăn. Tuy không đáng kể, vì tôi tin những người này sẽ dời chuyển đi trong vòng 1 tuần lễ - tôi hy vọng họ sẽ rời đi và công cuộc làm ăn sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 tuần nữa.”
Các cuộc tường trình cấp bộ đã kín đáo gợi ý rằng chính quyền Hong Kong tin rằng sự ủng hộ dành cho phong trào đòi dân chủ sẽ tàn dần, với thời gian và tình trạng xáo trộn dân sự kéo dài.
Những người hoạt động rõ ràng cũng lấy làm quan ngại. Nước mắt rưng rưng, người đồng sáng lập Phong trào Chiếm Trung, chiều thứ tư, ông Chan Kin-man đã đưa ra lời xin lỗi cộng đồng doanh nghiệp và cầu xin sự kiên nhẫn.
“Tôi hy vọng tất cả mọi người trong cộng đồng thông cảm rằng chúng tôi có thể tạo ra sự xáo trộn ngắn hạn. Nhưng chúng tôi đang tranh đấu cho sự hài hoà xã hội dài hạn. Không có một hệ thống bầu cử bình đẳng, chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận, cãi cọ và chia rẽ. Nhưng đây không phải là Hong Kong mà chúng ta mong muốn. Vì thế tôi hy vọng họ sẽ khoan dung hơn, nhưng tôi vẫn muốn xin lỗi nếu chúng tôi gây ra khó khăn cho họ.”
Khu vực dịch vụ đặc biệt dễ bị tổn thương. Các nhà nghiên cứu gợi ý một cách để chính quyền trung ương ở Bắc Kinh có thể thúc đẩy sự kết thúc cuộc Cách mạng Dù là cấm những người ở lục địa du hành đến Hong Kong.
Các công việc trả lương thấp lệ thuộc vào 30 triệu du khách lục địa đi thăm Hong Kong mỗi năm sẽ bị cắt giảm nhanh, có thể sẽ gây khó khăn cho phong trào trong giới ủng hộ bị các chủ tiệm và nhà hàng sa thải.
Nhưng ngoài đường phố, dường như có sự kiên nhẫn – ít nhất là trong lúc này. Người nghệ sĩ này, một người trẻ tuổi làm cha đang thở hít bầu không khí ở địa điểm biểu tình trung tâm, không muốn cho biết tên. Ông nói cần phải hy sinh để đạt được dân chủ cho các thế hệ tương lai.
“Các lý tưởng được đại diện ở đây là các lý tưởng phổ cập. Tất cả đều chính đáng. Cụ thể, quyền tự do phát biểu, bỏ phiếu cho người mình muốn bầu và tự do hội họp. Đây là những thứ mà Trung Quốc sẽ lấy đi. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến bản thân tôi và gia đình…và thế giới mà cháu bé của chúng tôi sẽ lớn lên.”
Dù sao, một thành phố lệ thuộc vào thương mại và kinh doanh có thể sẽ chứng kiến phong trào dân chủ bị phương hại một cách nguy hiểm nếu và khi nào các công dân buộc phải chọn lựa giữa phúc lợi ngắn hạn và các quyền tự do dài hạn.
Xem trực tiếp biểu tình ở Hong Kong: