Dưới đây là bài phân tích của Al Pessin thông tín viên VOA tại châu Âu.
Al Pessin là thông tín viên VOA tại Hong Kong từ năm 1984 đến năm 1987, và thông tín viên tại Bắc Kinh từ 1987 đến 1989. Ông bị trục xuất khỏi Trung Quốc vì các bài tường thuật về biểu tình và trấn áp tại Thiên An Môn.
London, ngày 1 tháng 10, 2014 – Hôm nay là kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, và nước này đang phải đối mặt với một vụ khủng hoảng khác về lai lịch, tuy rằng vụ khủng hoảng này nằm ở Hong Kong.
Cách đây 25 năm, Trung Quốc còn là một nước tương đối trẻ với nhiều rối loạn trong lịch sử ngắn ngủi của mình. Khi hàng triệu công nhân thuộc mọi tầng lớp gia nhập với sinh viên phản kháng đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn và trên khắp nước, giới lãnh đạo rõ ràng là bất an đã đàn áp tàn bạo, gửi quân đội đến trấn dẹp quảng trường và vây bắt người hoạt động trên cả nước.
Các chuyên gia Tây phương nói hàng ngàn người đã bị giết, có thể còn nhiều hơn nữa. Trung Quốc thì nói không có ai chết ở quảng trường Thiên An Môn.
Phong trào đó tập trung ở ngay giữa lòng Bắc Kinh, cách trụ sở ban lãnh đạo kín cổng cao tường không xa. Sau nhiều tuần biểu tình ngày càng lớn, giới lãnh đạo đã quay trở lại với lý thuyết Cộng sản cổ điển và kết luận rằng các cuộc biểu tình là một hình thức ‘làm loạn” đe doạ đến vị thế cai trị của Đảng. Họ đã hành động quyết liệt và chấm dứt nó một cách tàn bạo.
Điều đang xảy ra ở cựu thuộc địa tương đối cô lập của Anh là Hong Kong có phần hơi khác.
Nhà cựu ngoại giao Anh Roderic Wye, công tác tại Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh trong thập niên 1980 và 1990, nay đang làm việc với tổ chức Chatham House ở London, có nhận định:
“Điều đang xảy ra ở Hong Kong vào lúc này, sẽ không đe dọa đến chính sự hiện hữu của Nhà nước Trung Quốc theo cách mà Thiên An Môn đã có.”
Và cho đến nay, Trung Quốc đã tỏ ra tự chế hơn trong việc chỉ trích các cuộc biểu tình “Chiếm Trung” và chỉ nói rằng các cuộc biểu tình ấy là “bất hợp pháp” và "gây nguy hại cho pháp trị và phá hoại ổn định xã hội,” theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh.
Nhưng ông Wye nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy có sự khẩn thiết nào đó phải chấm dứt các cuộc biểu tình.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông Wye nói, “Rõ ràng họ không muốn có một thứ tương tự xảy ra tại Trung Quốc, bởi vì, đúng thế, chúng ta có thể trở lại một tình huống tương tự như Thiên An Môn. Và đó là điều mà chính phủ Trung Quốc sẽ cố hết sức để ngăn tránh.”
Theo ông Wye, mặc dù vụ đàn áp Thiên An Môn đã đè nén được sự bất đồng ở Trung Quốc trong 25 năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn sử dụng chiến thuật tương tự ở Hong Kong.
“Nếu họ có sự can dự của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân hay quân đội Trung Quốc thì thực sẽ là sự kết thúc chính sách ‘Một quốc gia, Hai chế độ,’ và tôi không cho rằng đó là điều họ muốn vào lúc này.”
Giáo sư Nghiên cứu về Trung Quốc Francoise Lauwaert của Trường Đại học Tự do ở Brussels nói: “Tôi nghĩ đó là một thách thức rất lớn và quả là một tình huống khó xử. Toàn bộ Trung Quốc đang theo dõi Hong Kong, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể lo sợ về một thứ bệnh lây nhiễm cho chế độ.”
Cho đến giờ thì điều đó chưa xảy ra. Bà Lauwaert nói với đài VOA: “Có thể người dân Trung Quốc cần một khoảng thời gian để hiểu những gì đang xảy ra. Và cũng có thể đối với họ, Hong Kong có hơi đặc biệt, cho nên họ không cảm thấy quan tâm nhiều về tình hình ở Hong Kong.”
Và từ phía bên kia, ông Roderic Wye nói có một “lai lịch Hong Kong dường như ngày càng tăng.”
Ông nói: “Cái cảm tưởng ‘hơi khác’ có phần trái ngược với sự trông đợi, đã gia tăng thay vì giảm đi từ năm 1997.”
Và cái “khác” đó có thể giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngăn chặn phong trào đòi dân chủ Hong Kong lan tràn, theo bà Francoise Lauwaert. “Tôi nghĩ họ có thể nói rằng Hong Kong là một xã hội hậu thuộc địa hoặc họ đã bị ô nhiễm vì người Tây phương.”
Nhưng có tiềm năng cho một ảnh hưởng tế nhị hơn. Bà Lawaert nói: “Tôi không chắc rằng đa số người dân ở Trung Quốc muốn có bầu cử tự do. Nhưng họ quan tâm đến cách tranh đấu cho những đề tài cụ thể hơn đặc biệt đối với tình huống của họ.”
Bà nói, “Cách thức người Hong Kong tụ tập và cách thức họ tự tổ chức có thể đem lại cho họ một vài khái niệm.”
Và ông Roderic Wye cho rằng người dân Hong Kong cũng có một số đề tài khác trong đầu, tỷ như một hệ thống giáo dục kiểu Tây phương hơn và bầu cử trực tiếp cơ quan lập pháp, cũng như hành chính trưởng quan của họ.
Ông nói, “Cho dù có một giải pháp, và ta hãy hy vọng có được một giải pháp, vì vấn đề cũng sẽ chưa hết bởi vì đó chỉ là một bước thôi.”
Quy chế Khu vực Hành chính Đặc biệt của Hong Kong phát xuất từ hơn 100 năm thuộc địa Anh, và bản tuyên bố chung giữa Anh và Trung Quốc để giao hoàn Hong Kong cho Trung Quốc, thương nghị vào năm 1984 và được thực thi năm 1997.
Khái niệm mở đường về “Một Quốc gia, Hai chế độ” nảy sinh từ nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là ông Đặng Tiểu Bình. Khái niệm là Hong Kong sẽ tiếp tục với hệ thống kinh tế tư bản và lối sống Tây phương trong khi đặt dưới sự cai trị của Cộng sản Trung Quốc. Ông Đặng không muốn thành phố thành đạt nhất của Trung Quốc bị suy đồi ngay vào lúc ông tìm cách đưa phần còn lại của đất nước lên tới trình độ của Hong Kong.
Khái niệm cũng bao gồm một hệ thống chính trị tách biệt cho Hong Kong, với các mức độ tự do và dân quyền mà các công dân Trung Quốc khác không có, và vẫn chưa được hưởng.
Nhưng bản Tuyên ngôn chung rất mơ hồ về vấn đề dân chủ, nói rằng dân chúng Hong Kong sẽ có tiếng nói trong việc chọn vị hành chính trưởng quan thông qua “các cuộc bầu cử hay hội ý,” nhưng quan chức này sẽ được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Tuyên ngôn cũng nói rõ rằng cơ quan lập pháp địa phương sẽ được chọn qua các cuộc bầu cử, nhưng không xác định ai có quyền được bỏ phiếu hay ra tranh cử.
Trong những ngày tàn của chế độ thuộc địa, các giới chức Anh bắt đầu mở rộng dân chủ ở Hong Kong, và trong khi tiến trình đó tiếp tục sau khi Tuyên ngôn Chung được thương nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không lấy làm hài lòng.
Từ quan điểm của Trung Quốc, “người Anh dường như muốn thay đổi cơ bản thỏa thuận mà phía Trung Quốc cảm thấy họ đã bị ép buộc ký,” theo nhận định của ông Wye.
Ông nói: “Phía Anh đã trì trệ muốn đưa một số yếu tố mới của chính trị dân chủ vào Hong Kong. Phía Trung Quốc cảm thấy họ đã bị ép buộc thừa nhận, ‘không thay đổi cho Hong Kong,’ nhưng là Hong Kong của năm 1985.”
Thoạt đầu, Trung Quốc chấp nhận những thay đổi, nhưng sau phong trào Thiên An Môn và vụ trấn át năm 1989, cùng các cuộc biểu tình ở Hong Kong ủng hộ phong trào, quan điểm của hai bên về tương lai dân chủ của thành phố này đã khác đi.
Sau năm 1997, Trung Quốc đề xuất một số cải cách để mở rộng thêm dân chủ ở lãnh địa. Nhưng họ không đi xa tới mức mà những người hoạt động ngày nay mong muốn. Cụ thể là, tuy đã mở rộng quyền đi bầu để cho tất cả mọi người đến tuổi được bỏ phiếu bầu ra hành chính trưởng quan mới, Trung Quốc vẫn muốn có một ủy ban trung thành để quyết định ai được quyền ra tranh cử. Đó chính là lý do châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới nhất.
Một số người ở Anh Quốc vẫn cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt đối với Hong Kong, sau khi được giao hoàn mới có 17 năm.
Phó Thủ tướng Nick Clegg nói: “Giới hữu trách ở Bắc Kinh dường như quyết chí từ chối đem lại cho người dân Hong Kong những gì họ hoàn toàn có quyền trông đợi, đó là các cuộc bầu cử tự do, công bằng và cởi mở dựa trên quyền phổ thông đầu phiếu.”
Bộ trưởng Tài chính George Osborne nói thêm: “Tôi nghĩ sự thịnh vượng và tương lai của Hong Kong tuỳ thuộc vào một số trong các quyền tự do phản kháng và quyền tự do tham chính.”
Toà Bạch Ốc cũng đưa ra những tuyên bố tương tự:
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Josh Earnest nói: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong và chúng tôi ủng hộ các nguyện vọng của nhân dân Hong Kong.” Ông nói thêm “Chúng tôi tin tưởng rằng một xã hội cởi mở với mức độ tự trị cao nhất và đặt dưới pháp trị là điều cấp thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong.”
Tại Brussels, bà Francoise Lauwaert nói phương Tây không có bất cứ trách nhiệm đặc biệt nào đối với Hong Kong vì quy chế thuộc địa trước đây. Thay vì thế, bà nói, “Người Tây phương có một trách nhiệm đối với Trung Quốc nói chung.”
Bà nói tiếp, “Trung Quốc đã trở thành một cường quốc rất lớn và một sức mạnh kinh tế rất lớn và không có gì nói về Nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc. Đối với tôi, đấy không phải vì Hong Kong là một thuộc địa. Đúng hơn ấy là vì chúng ta có một trách nhiệm đối với Hong Kong và đối với Tân Cương và đối với Trung Quốc nói chung.”
Nhưng có rất ít thứ mà Anh Quốc, Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào khác có thể làm, ngoài việc cố gắng gây áp lực cho Trung Quốc để bảo vệ Nhân quyền và tránh bạo động.
Các vấn đề của Hong Kong hoàn toàn thuộc về nội bộ Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các nước liên hệ nên thận trọng về lời nói và việc làm, tự chế trước việc can dự vào nội bộ Hong Kong, dưới mọi hình thứcPhát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Và tại Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh còn bác bỏ cả điều đó.
Bà nói với các phóng viên ở Bắc Kinh: “Các vấn đề của Hong Kong hoàn toàn thuộc về nội bộ Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các nước liên hệ nên thận trọng về lời nói và việc làm, tự chế trước việc can dự vào nội bộ Hong Kong, dưới mọi hình thức, và chớ nên ủng hộ các hoạt động bất hợp pháp như ‘Chiếm Trung’ hay gửi đi bất cứ tín hiệu sai trái nào.”
Sự tăng trưởng kinh tế mau chóng của Trung Quốc trong mấy thập niên vừa qua đã khiến cho Hong Kong trở nên bớt quan trọng hơn trong tư cách một đầu máy thương mại và tăng trưởng, do đó quy chế đặc biệt của Hong Kong có thể bớt phần quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Song đồng thời, họ có thể lại quan ngại hơn về phản ứng của nước ngoài về cách thức họ xử lý các cuộc biểu tình này hơn so với vụ đàn áp Thiên An Môn. Trung Quốc hoà nhập hơn vào nền kinh tế toàn cầu so với 25 năm trước, khiến nước này có tiềm năng dễ bị tổn thương hơn đối với các biện pháp chế tài có thể theo sau một vụ trấn áp bằng bạo lực.
Nhưng ngoài bất cứ phản ứng mạnh hơn nào của Trung Quốc và sự đáp lại của Tây phương, người biểu tình ở Hong Kong, đa số chưa ra đời cách đây 25 năm, sẽ phải đích thân đối mặt với chính quyền, cũng giống như những người đi trước ở Quảng trường Thiên An Môn. Họ chỉ có thể hy vọng rằng các giới chức ở Bắc Kinh vào năm 2014 nhìn thấy các đòi hỏi của họ dành cho khu vực nhỏ bé của họ là có thể xử lý được, chứ không phải là một hình thức đe dọa theo nhận định của thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây vào năm 1989.