Một bộ phim tài liệu nói về những thuyền nhân Việt Nam vực dậy sau đau thương từ những chuyến vượt biển tìm tự do đầy nghiệt ngã tới những thành tựu rực rỡ đóng góp cho quê hương thứ hai sau 4 thập niên tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ được ra mắt ở thủ đô Washington DC ngày 17/10/15 đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Vietnamerica là bộ phim tư liệu 90 phút không chỉ dành riêng cho cộng đồng người Việt tị nạn, mà cho tất cả những ai yêu chuộng và khát khao tự do.
Một phân đoạn trong phim dài 18 phút được trích ra dự thi các liên hoan phim quốc tế đã dành được một số giải thưởng và được chọn trình chiếu tại 15 buổi liên hoan phim trên thế giới.
Bộ phim gợi nhớ biến cố 30/4/75 khiến hơn 2 triệu dân Việt bỏ nước ra đi, tạo nên một trong những làn sóng thuyền nhân lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại với hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên biển vì bão, vì đói, hay vì hải tặc.
Trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, 3 khán giả trẻ trong cộng đồng tị nạn chính trị lớn nhất tại Mỹ đã xem qua Vietnamerica khi phim được ra mắt tại thành phố họ sinh sống sẽ chia sẻ với chúng ta những ấn tượng về bộ phim và ý nghĩa của nó đối với lịch sử thuyền nhân Việt Nam cũng như đối với các thế hệ người Việt tị nạn. Trà Mi xin giới thiệu khách mời của chương trình: Thị trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminister bang California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất nhì nước Mỹ; anh John Hùng Vũ hoạt động trong ngành bảo hiểm tại Denver bang Colorado; và chị Christine Quỳnh Nguyễn kinh doanh địa ốc ở Houston bang Texas.
Your browser doesn’t support HTML5
Chrisine Quỳnh: Ba của Christine là đại úy an ninh quân đội. Khi mất nước, ba bị ở tù 11 năm. Tuổi thơ của Christine không hy vọng, không tương lai. Christine trải qua thời niên thiếu rất khổ cực. Vì thế, khi xem phim Vietnamerica, Christine rất xúc động khi thấy nhiều người phải trải qua giữa cái sống và cái chết vì hai chữ tự do. Cuốn phim này khích lệ tinh thần chúng ta khi nhìn lại tại sao chúng ta có mặt ở đây, chúng ta phải cố gắng thế nào để không hổ thẹn với những người đã đi trước.
Trà Mi: Anh Hùng là một thuyền nhân, anh có nhìn thấy chính mình và người thân của mình qua những phút phim tài liệu này không?
Hùng Vũ: Xem cuốn phim gợi lại quá khứ mình đã đi qua, không biết làm sao diễn tả được vì nó làm sống lại những phút giây đối đầu với tử thần khi mình trên con thuyền nhỏ rời Việt Nam đi tìm tự do.
Trà Mi: So với các phim tài liệu khác về lịch sử cuộc chiến Việt Nam, Vietnamerica có điểm nào đặc biệt nổi bật?
Tạ Đức Trí: Bộ phim này đã lột tả hết tất cả sự hy sinh và cái giá mà các thuyền nhân Việt Nam đã trải qua trên hành trình tìm tự do. Ưu điểm của bộ phim là các nhân vật trong phim không cần phải đóng. Họ đều là những chứng nhân minh chứng cho những kinh nghiệm kinh hoàng. Đây là một bộ phim có thể đánh động được lương tâm của thế giới.
Trà Mi: Người Việt đã trải qua quá nhiều thương đau và nước mắt và một số phụ huynh lưỡng lự không muốn cho thế hệ trẻ thấy những điều tàn khốc ấy qua các bộ phim tài liệu. Là thế hệ trẻ, các anh chị chia sẻ thế nào về điều này?
Tạ Đức Trí: Tôi cũng hiểu suy nghĩ của các phụ huynh. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, các em nên xem những bộ phim về chính nguồn gốc của mình để hiểu lý do cộng đồng người Việt có mặt và phát triển tại Mỹ cũng như hiểu giá trị của sự tự do mà thế hệ đi trước đã phải trải qua.
Trà Mi: Có ý kiến cho rằng chiến tranh đã chấm dứt 4 thập niên, Việt-Mỹ cũng bình thường hóa quan hệ 20 năm nay thì nhắc nhớ những nỗi đau đó để hận thù dai dẳng có ích lợi gì đâu, hãy để thế hệ trẻ hướng tới chân trời sáng lạng phía trước. Với quan điểm đó, các anh chị có suy nghĩ thế nào?
Tạ Đức Trí: Tuy nhiên, Việt Nam sau 40 năm vẫn chưa có nhân quyền-tự do, các nhà tranh đấu dân chủ trong nước vẫn đang bị đàn áp, bắt bớ. Với chính sách độc tài của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại không thể nào làm ngơ, không quan tâm. Vì vậy, sự ra đời của bộ phim càng làm cho chúng ta quan tâm nhiều hơn về thực trạng tại Việt Nam, cố gắng nhiều hơn nữa để tranh đấu với hy vọng Việt Nam sẽ sớm có tự do-dân chủ trong tương lai.
Trà Mi: Khát vọng nào cũng có cái giá của nó, khát vọng tự do cũng vậy, vì sao phải nêu bật cái giá của tự do. Nếu có một người trẻ nêu câu hỏi này, chị Christine sẽ trả lời thế nào?
Christine Quỳnh: Chúng ta phải đề cao tinh thần bất khuất của người Việt để cho thế hệ mai sau hiểu nguồn gốc sự có mặt của chúng ta ở đây và những giá trị chúng ta có được hôm nay không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải nên trân quý.
Trà Mi: 90 phút phim dĩ nhiên không thể khắc họa lại tất cả những nghiệt ngã, những mất mát đau thương để đánh đổi lấy tự do. Qua lăng kính Vietnamerica, các anh chị thấy những khía cạnh nào đã được soi rọi đầy đủ và những khía cạnh nào cần lột tả thêm để thế hệ sau được nhìn rõ một bức tranh toàn cảnh, trực diện về lịch sử thuyền nhân tị nạn Việt Nam?
Hùng Vũ: Bộ phim đã nói lên được khát vọng của con người cần được tự do. Là một thuyền nhân, mình nghĩ nếu cuốn phim có thể nói thêm về hành trình tìm tự do gian khổ, khó khăn như thế nào thì sẽ xác thực hơn ý nghĩa của việc đi tìm tự do.
Trà Mi: Bộ phim ra mắt giữa bối cảnh các mốc kỷ niệm lịch sử và giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn trên thế giới. Là một người tị nạn Việt Nam, từ bộ phim này, các anh chị muốn chia sẻ thông điệp gì tới những người tị nạn trên thế giới”?
Tạ Đức Trí: Tất cả người tị nạn đều có khát vọng tìm tự do, mưu cầu hạnh phúc tương lai. Với khát vọng đó, chúng tôi rất hy vọng rằng các quốc gia sẽ chào đón, giúp đỡ người tị nạn. Hai chữ tự do sau thế kỷ 21 này vẫn là một thứ trân quý nhất cho nhân loại. Cũng vì hai chữ tự do mà cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã vươn lên hình thành và phát triển.
Trà Mi: Khát vọng tự do cho bản thân và gia đình giờ đã đạt thành, với những người còn đang hướng tới nó, các anh chị có thể làm gì để có thể truyền tiếp khát vọng của họ?
Christine Quỳnh: Ước mong rằng khi thành công ở Mỹ, chúng ta nên truyền bá lại cho con cháu mình có được tinh thần giống thế hệ của chúng ta, lúc nào cũng phấn đấu.
Tạ Đức Trí: Tập thể người Việt hải ngoại chúng ta luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đấu tranh dân chủ trong nước. Chúng ta hãy tiếp tục chia sẻ những thông tin cần thiết về một chính thể tự do thật sự. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể chia sẻ cho đồng bào trong nước về một bộ máy chính trị tự do, dân chủ bầu cử để người dân trong nước hiểu được thế nào là tự do-dân chủ thật sự, giá trị của một nền chính trị dân chủ quan trọng như thế nào để giúp cho quốc gia đó phát triển một cách toàn diện. Chúng ta thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sau 40 năm vẫn áp dụng chính sách độc tài , đàn áp tôn giáo, bắt bớ trí thức trẻ. Người trí thức trong nước chưa thể nói lên sự quan tâm của mình về hiện trạng đất nước thì thử hỏi làm sao Việt Nam có thể phát triển một cách toàn diện? Cho nên, chúng tôi rất hy vọng các bạn trẻ trong cộng đồng tại hải ngoại hãy quan tâm nhiều hơn nữa về tình hình Việt Nam. Sự dấn thân của các bạn là một động lực hỗ trợ thêm cho giới trẻ trong nước. Chúng tôi biết nhiều bạn trẻ trong nước hiện nay cũng rất quan tâm về sự tự do-dân chủ trong nước chưa có và các bạn cũng có khát vọng để thay đổi. Chúng tôi xin đồng hành với các bạn trẻ tại Việt Nam để tranh đấu cho hai chữ tự do.
Trà Mi: Thông điệp về khát vọng tự do đó cũng chính là điểm nhấn của bộ phim tài liệu Vietnamerica mà 3 khán giả trẻ tham gia chương trình hôm nay đã cảm nghiệm và chia sẻ với thính giả đài VOA. Cảm ơn các anh chị rất nhiều.
Your browser doesn’t support HTML5