Các nhà lãnh đạo của Philippines và Việt Nam đã cho thấy một mặt trận thống nhất hơn đối với vụ tranh chấp Biển Đông khi họ gặp nhau hôm thứ ba bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật từ Manila.
Philippines và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược” qua việc ký kết một thông cáo chung. Thỏa thuận này có mục đích góp phần tăng cường những mối liên hệ giữa hai nước trong các lãnh vực quốc phòng, thương mại và hợp tác hải dương.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông hoan nghênh điều ông gọi là “sự giao tiếp và hợp tác tích cực” giữa quân đội hai nước.
"Trong tư cách là những dân tộc của những người đi biển, chúng tôi muốn có những sáng kiến sẽ tăng cường khả năng của chúng tôi để ứng phó hữu hiệu hơn với những thách thức và những tình huống trong vùng biển chung của chúng tôi."
"Chúng tôi cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm ổn định, an ninh biển, an toàn và tự do hàng hải và tự do bay ngang ở Biển Đông, cũng như việc giải quyết những vụ tranh chấp biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố.
Philippines trông đợi có thêm những chuyến viếng thăm mà họ gọi là “viếng thăm thiện chí” của hải quân Việt Nam. Đôi bên cũng dự định tiến hành những chương trình giao lưu giữa các lực lượng tuần duyên và các cơ quan ngư nghiệp. Thoả thuận hợp tác này cũng nhắm tới việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế và văn hoá.
Philippines và Việt Nam có những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi.” Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển có nhiều tài nguyên này.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại Dinh Tổng thống Philippines, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang cho biết nước ông, cũng như Philippines, muôn có hoà bình và ổn định cho vùng biển mà Trung Quốc đã xây những hòn đảo nhân tạo trên những bãi đá và bãi cạn mà cả 3 nước đều cho là lãnh thổ của mình.
Nhà lãnh đạo Việt Nam phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên.
"Chúng tôi cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm ổn định, an ninh biển, an toàn và tự do hàng hải và tự do bay ngang ở Biển Đông, cũng như việc giải quyết những vụ tranh chấp biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982."
Năm 2013, Philippines đã dựa vào một phụ đính của công ước này để nộp đơn kiện lên toà trọng tài Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ vụ kiện và không tham gia. Việt Nam đã theo dõi sát những diễn tiến của vụ này và các nhà phân tích cho rằng Hà Nội cũng đang nghiêm túc xem xét tới việc tiến hành những hành động pháp lý chống Trung Quốc.
Ông Richard Heydarian, một nhà phân tích địa chính trị của Đại học De LaSalle ở Manila, cho rằng những cuộc thao dượt chung mỗi ngày một nhiều là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam, một nước theo chế độ Cộng sản, đang theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn để chống lại những hành động hung hãn của Trung Quốc.
"Đây là một thông điệp rất rõ ràng. Các nước láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu thành lập một liên minh không chính thức."
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Philippines và Việt Nam diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Manila để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Trước hội nghị này, Trung Quốc và Philippines đồng ý không đưa vụ tranh chấp giữa đôi bên ra thảo luận tại bàn hội nghị. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ được chính thức bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này ở Kuala Lumpur.
Your browser doesn’t support HTML5