Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do bay trên không phận Biển Đông, bất chấp những bản tin tường thuật rằng các kiểm soát viên Trung Quốc đã cảnh cáo các máy bay Mỹ bay trên vùng không phận Biển Đông hồi trong tuần.
Bản tin của ABC dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm thứ Sáu nói rằng Trung Quốc chống đối các chuyến bay chỉ viện cớ bảo vệ tự do lưu thông trên biển và trên không, nhưng nhằm các mục đích chiến lược, qua đó ám chỉ rằng Bắc Kinh coi các chuyến bay của máy bay thả bom B-52 của Mỹ hôm Chủ nhật và thứ Hai tuần này, là một cái cớ để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nói chuyện với các nhà báo tại cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Sáu, ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc “cực lực chống đối các vụ vi phạm luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới chiêu bài tự do qua lại trên biển và trên không”.
Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Bill Urban hôm thứ Năm xác nhận là hai máy bay B-52 đã thực hiện các phi vụ ‘thường lệ’ trên không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa, và đã nhận lời cảnh cáo của các kiểm soát viên Trung Quốc trên bộ.
Vấn đề Biển Đông, theo bản tin ABC, được dự kiến sẽ tiếp tục gây chú ý trong suốt thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có mặt ở Châu Á để tham gia Diễn đàn APEC tại Philippines và sau đó tại các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở Malaysia.
Trong một bài báo về những bất đồng quan điểm giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới cuộc tranh chấp Biển Đông, một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Giới chức này khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi về liệu việc Mỹ điều một tàu chiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại quần đảo Trường Sa chỉ xảy ra một lần thôi hay không.
Việc chính phủ của Tổng thống Obama đã cân nhắc và trì hoãn lâu trước khi điều tàu vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo tân tạo của Trung Quốc, cho thấy sự thận trọng của phía Mỹ, không muốn khiêu khích Bắc Kinh, nhưng mặt khác, theo tác giả bài báo, hành động này là một sự thừa nhận rằng ‘chính sách của Mỹ đã thất bại’. Lập luận này cho rằng lý do là bởi vì Trung Quốc đã xây dựng thành công các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này trên các vùng trước đây là những bãi cạn. Trên thực tế, các công trình xây dựng của Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng và tạo ra những cơ sở giúp nới rộng phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh rằng cuộc tranh chấp tại Trường Sa không thực sự là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc mà là giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Mục tiêu của Trung Quốc trong ngắn hạn không phải là ngăn chặn hải quân Hoa Kỳ qua lại trên Biển Đông, mà là tìm cách thay đổi cách hành xử của các nước láng giềng đang tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh – trong đó có Việt Nam và Philippines - để buộc các nước này phải từ bỏ lập trường của họ và các tuyên bố chủ quyền Biển Đông.
Theo ABC News, The National Interest.