Người đứng đầu bộ quốc phòng Philippines hôm 7/10 cho biết ông đã thông báo với phía Mỹ về quyết định tạm ngưng các kế hoạch tuần tra chung và tập trận chung giữa 2 nước trên vùng biển Đông đang có tranh chấp.
Thông báo này được đưa ra trong khi các cuộc tập trận chung của Mỹ và Philippines trên đảo Luzon và Palawan đang diễn ra. Cách đây 1 tuần trong chuyến thăm của tổng thống mới của Philippines tới Hà Nội, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố cuộc tập trận đang diễn ra này sẽ là cuối cùng giữa Mỹ và Philippines. Nhưng sau đó các quan chức của Philippines nói họ còn chờ lệnh của tổng thống.
Theo nhận định của truyền thông thế giới, tuyên bố của bộ quốc phòng Philippines hôm 7/10 là một động thái nhỏ nhưng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, Mỹ đã thất bại trong việc đáp ứng các kỳ vọng của Philippines.
“Một trong những điều làm cho họ (Philippines) cảm thấy thất vọng đối với Mỹ là Mỹ đã không bảo vệ được cho họ như họ mong đợi. Ví dụ những sự cố như ở Scaborough năm 2012, Mỹ đã không có những động thái để giúp bảo vệ Philippines.”
Your browser doesn’t support HTML5
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 30/6, ông Duterte – người nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thừng và nhục mạ tổng thống Mỹ Barack Obama – đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Philippines khi ông hướng quốc gia Đông Nam Á này ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, một đồng minh lâu năm của họ, và tìm kiếm những “liên minh mới” với Trung Quốc và Nga.
Mỹ, cùng với Nhật Bản, đã giúp Phillipines phát triển các khả năng của họ về tuần tra và bảo vệ lãnh thổ trên biển trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn trên biển Đông.
Philippines, cùng với Việt Nam, là 2 quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất trong khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. Nhưng đó là khi Philippines còn nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino. Dưới thời ông Aquino, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế La Haye về những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc trên hầu hết biển Đông và Philippines đã giành được phần thắng trong vụ kiện này.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền tổng thống, ông Duterte đã tỏ ý sẽ muốn giải quyết các tranh chấp này bằng đối ngoại song phương và có chiều hướng hợp tác hơn với Trung Quốc.
Trong khi đó Washington cho rằng ông Duterte đang định hình đường lối chính sách đối ngoại vì mới chỉ có vài tháng nhậm chức. Phó phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner đã nói như vậy với các phóng viên trong 1 cuộc họp báo ở Washington đầu tuần này. Và nhà nghiên cứu Phương Nguyễn của viện nghiên cứu CSIS cũng đồng tình nhưng cho rằng Washington cần xem xét để hiểu biết nhiều hơn về các yếu tố khiến Philippines có những thay đổi đó.