Philippines: Trung Quốc có quyền tập trận nhưng phải minh bạch

  • Simone Oredain

Tàu chiến của Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Đông (Ảnh tư liệu).

Trung Quốc đang thực hiện một loạt những cuộc thao dượt quân sự ở Biển Đông, trong đó có một cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của hơn 100 chiếc tàu, kể cả những chiếc tàu có khả năng hạt nhân. Từ Manila thông tín viên Simone Orendain của đài VOA có bài tường thuật về phản ứng của Philippines đối với diễn tiến này.

Phát ngôn viên Quân đội Philippines Restituto Padilla nói rằng nước nào cũng có quyền thực hiện những cuộc diễn tập quân sự, nhất là trong trường hợp những hoạt động đó diễn ra ở hải phận quốc tế. Ông cho biết đối với việc Trung Quốc tiến hành những cuộc tập trận, Philippines “không có vấn đề gì”.

"Nhưng vấn đề ở đây là họ nên được chỉ dạy về cách thức để minh bạch về những việc này, bởi vì chúng tôi đang cố gắng tránh né. Và những gì mà chúng tôi đang cố gắng làm là tăng cường đối thoại giữa các quân đội trong khu vực để bảo đảm là chúng tôi có thể tránh xảy ra những vụ ngộ nhận, hiểu lầm."

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong cuộc tập trận bắn đạn thật hôm thứ ba, ngoài mấy mươi chiếc tàu hải quân còn có sự tham gia của mấy mươi chiếc máy bay và “nhiều lữ đoàn phóng phi đạn” cùng với “những binh sĩ chiến tranh thông tin.” Tuy nhiên, các bản tin không cho biết một cách chính xác về địa điểm của cuộc thao dượt.

Ông Padilla và một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Philippines nói họ không biết địa điểm thao dượt của Trung Quốc ở đâu.

Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 20 tháng 7 đăng tải một lệnh cảnh báo hàng hải để loan báo về những cuộc tập trận trong tuần này. Toạ độ ghi trong thông báo đó cho thấy khu vực thao dượt nằm ở mạn đông nam của đảo Hải Nam, gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền, và nằm rất xa về hướng bắc của quần đảo Trường Sa.

Ông Peter Paul Galvez, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines nói với đài VOA qua tin nhắn là những cuộc thao dượt của Trung Quốc “không sao cả” vì diễn ra ở hải phận quốc tế. Nhưng ông cũng nêu lên những mối lo ngại về “sự thiếu minh bạch và thiếu thành thực.”

Ông Galvez đề cập tới việc Trung Quốc ráo riết xây đảo nhân tạo tại 7 bãi cạn ở quần đảo Trường Sa. Philippines có yêu sách chủ quyền đối với 6 trong số 7 bãi cạn đó và các nhà phân tích an ninh cho biết ít nhất một trong 7 hòn đảo nhân tạo có thể dùng làm căn cứ của máy bay quân sự và chiến hạm. Washington chỉ trích việc xây đảo nhân tạo và đ1oi Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động này.

Theo ông Galvez, Trung Quốc đang hành động mà không lý gì tới “ảnh hưởng đối với các nước láng giềng.”

“Những hành động hung hăng không ngừng nối tiếp nhau bây giờ đã làm cho lo ngại và nghi ngờ bao trùm tất cả những hoạt động của họ,” ông Galvez nói.

Ông Sam Bateman, cố vấn của chương trình Nghiên cứu An ninh Hải dương của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng “một tình thế lưỡng nan về an ninh” đang diễn ra ở Biển Đông, theo kiểu “hành động-phản ứng.”

"Chúng ta đã có vấn đề với những cuộc thao dượt hồi gần đây của Hải quân Mỹ với Philippines và dĩ nhiên những cuộc thao dượt đó có thể có tính chất khiêu khích đối với Trung Quốc và có thể đã khích động một phản ứng loại này từ Trung Quốc…khiến họ thực hiện những cuộc thao dượt."

Hồi đầu tuần này, một người phát ngôn của bộ quốc phòng Trung Quốc nói các nước không nên “diễn giả quá đáng” những cuộc diễn tập của Trung Quốc.

Trong lúc không nêu tên Hoa Kỳ, Thượng tá Hải quân Lương Dương nói “những cường quốc bên ngoài khu vực” đã dụ dỗ những nước khác trong khu vực tiến hành những cuộc thao dượt quân sự hồi gần đây với “Trung Quốc là kẻ địch giả tưởng.”

Mới đây Trung Quốc loan báo một cuộc diễn tập khác nữa sẽ bắt đầu vào thứ 7 tuần này trong một khu vực nằm ngay phía đông của đảo Hải Nam.