Phủ tổng thống Philippines hôm qua tuyên bố nước này không liên quan đến kế hoạch diễn tập hải quân chung giữa các đồng minh Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ ở vùng biển có tên Biển Tây Philippines, tức một phần của Biển Đông.
Ông Herminio Coloma, một viên chức thuộc Văn phòng Truyền thông của Tổng thống, nói: “Các cuộc diễn tập hải quân chung ở gần Biển Đông mà báo chí đã đưa tin hoàn toàn không liên quan đến Philippines. Sẽ là phỏng đoán khi nói về tác động có thể có đến các quan ngại về Biển Đông”.
Ông Coloma đã ra một tuyên bố chính thức về tin tức đó, nói rằng mối quan tâm hàng đầu của Philippines là ngăn ngừa các hành động hung hăng chứ không phải là làm gia tăng căng thẳng.
“Philippines tin rằng sự ổn định khu vực đạt được khi pháp quyền được duy trì. Vì vậy, chúng tôi đã cùng Hiệp hội ASEAN thúc đẩy việc thông qua một Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông,” ông Coloma nhấn mạnh.
Hồi cuối tháng 2, trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Việt Nam nếu Mỹ mời thực hiện tuần tra chung ở Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình, rằng Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan đến luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào duy trì ổn định và hòa bình tại Biển Đông tuân theo luật pháp quốc tế.”
Trên thực tế, ASEAN gồm 10 thành viên, lâu nay vẫn chia rẽ về tranh chấp ở Biển Đông, nhất là quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và một số nước khác có tranh chấp chủ quyền, trong số đó, Trung Quốc khổng lồ gần đây đã có các động thái áp đảo và quân sự hóa gây lo ngại lớn.
Hồi tuần trước, Phát ngôn viên Edwin Lacierda của Tổng thống Philippines nói rằng việc tuần tra chung ở Biển Tây Philippines nêu bật mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với thương mại toàn cầu không bị cản trở và hòa bình trong khu vực.
Khi được hỏi việc Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ thực hiện diễn tập chung ở vùng biển tranh chấp có tác động thế nào, ông Lacierda nói: “Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Tây Philippines. Nó cũng là sự nhìn nhận của cộng đồng các nước về tầm quan trọng của thương mại toàn cầu và tiếp đến là sự cần thiết phải duy trì sự ổn định trong khu vực”.
Có tin các cuộc diễn tập sắp tới là một phần trong hoạt động thường niên giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ kể từ 2004 và được mở rộng với sự tham gia của Nhật Bản, nước đã tăng hợp tác với Việt Nam và 2 nước khác có quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, không tiết lộ địa điểm các cuộc diễn tập có tên Malabar. Ấn Độ nói Nhật Bản sẽ tham gia nhưng từ chối xác nhận địa điểm.
Washington đã phát đi một cảnh báo tới Trung Quốc sau khi có tin 5 tàu chiến Trung Quốc bao vây và chiếm một bãi san hô do Philippine nắm giữ, ngăn cản ngư dân địa phương đánh cá. Bắc Kinh nói các tàu của Trung Quốc đã rời khỏi địa điểm đó.
Tàu chiến và máy bay Mỹ đã có một loạt các hoạt động ở vùng biển tranh chấp để thách thức các động thái của Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ đang tìm cách kết nối cường quốc quân sự châu Á để họ cộng tác với nhau chặt chẽ hơn.
Theo Philstar, Reuters
Your browser doesn’t support HTML5