Ngoại trưởng Philippines cho hay chính phủ nước ông đã bác đề nghị của Trung Quốc để thảo luận về vụ tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông, bởi vì Bắc Kinh sẽ không cho phép phán quyết do Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi tuần trước được coi như là căn bản cho các cuộc đàm phán.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình ABS-CBN của Philippines hôm nay, thứ Ba 19/7, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết vị tương nhiệm Trung Quốc của ông là Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra đề nghị này tại cuộc họp thượng đỉnh Á-Âu quy tụ lãnh đạo các nước Á Châu và Âu Châu vào cuối tuần vừa rồi ở Mông Cổ. Ông Yasay tiết lộ ông đã nói với ông Vương rằng đề nghị đó “không phù hợp với hiến pháp của chúng tôi và quyền lợi quốc gia của chúng tôi.”
Nhà ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại rằng nếu Manila tiếp tục ủng hộ quyết định của Toà Trọng tài LHQ tại La Haye thì “như vậy chúng ta có thể hướng đến chỗ đối đầu với nhau.”
Trong một phán quyết lịch sử hôm thứ Ba vừa rồi, Toà Trọng tài LHQ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng lãnh hải rộng gần 3 triệu rưỡi cây số vuông trong Biển Đông. Phán quyết này là để đáp lại vụ kiện do Philippines khởi sự vào năm 2013, khiếu kiện các hành động hung hãn của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, một bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 225 km.
Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục ngăn chận các tàu đánh cá Philippines hoạt động tại bãi cạn này, và lại tiếp tục làm như vậy chỉ vài ngày sau phán quyết của toà án La Haye. Ông Yasay nói ông đã yêu cầu ông Vương Nghị hãy chấm dứt hành động ngăn chận tàu cá Philippines.
Toà án tại La Haye phán rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn đứt khúc”, còn gọi là đường lưỡi bò, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), là hiệp ước quy định các ranh giới lãnh hải và hoạt động kinh tế của các quốc gia.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nói rằng toà án La Haye không có thẩm quyền tài phán để ra quyết định trong vụ này, bất chấp Trung Quốc là một nước đã đặt bút ký kết UNCLOS. Bắc Kinh giận dữ lên án phán quyết của Toà Trọng tài LHQ.