Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận được những phản ứng trái ngược về thông cáo chung liên quan tới vấn đề biển Đông mà khối này công bố tuần trước. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ Văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA ở Bangkok.
Sau những cuộc thương thảo vào phút chót, 10 quốc gia Đông Nam Á đã ra một tuyên bố mang tính thỏa hiệp về việc thúc đẩy một quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, CoC, của các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Đây là điều ASEAN đã thương thảo hơn chục năm qua.
Ông Benjamin Ho, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược ở Singapore, cho biết như sau.
“Người ta đã thảo luận tương đối nhiều về Bộ Quy tắc ứng xử này, và các nước châu Á khá là sốt ruột và muốn Bộ quy tắc này được thực thi. Vì thế, tôi nghĩ đây là một bước tiến. Nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ rằng CoC không nên được coi là giải pháp cuối cùng có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề biển Đông.”
Nhiều người trong khu vực cho rằng việc ra thông cáo chung này là điều tốt, thay vì không đạt được gì như khi Campuchia là chủ tịch ASEAN năm 2012. Ông Oh Ei Sun, cựu Bí thư Chính trị của Thủ tướng Malaysia, cho biết như sau:
“ASEAN đã thận trọng nhằm cân bằng các yêu cầu trái ngược nhau của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và kết quả là những từ ngữ trong bản thông cáo chung cuối cùng.”
Trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng Washington sẽ không tán đồng bất kỳ hạn chế nào đối với tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp.
Bắc Kinh lâu nay đã nhấn mạnh rằng các tranh chấp lãnh hải nên được giải quyết giữa các nước liên quan, nhưng lập trường của Trung Quốc gần đây dường như đã mềm dịu hơn trong các cuộc đối thoại với khối ASEAN. 4 nước ASEAN hiện tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, đường 9 đoạn của Trung Quốc còn chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của hai nước ASEAN khác là Indonesia và Singapore.
Các nhà quan sát cho rằng vấn đề ASEAN có một sự thay đổi đáng kể hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn khi lãnh đạo của khối này nhóm họp trở lại vào tháng 12 sắp tới.
Your browser doesn’t support HTML5