Dạo gần đây báo chí lại tiếp tục làm “ầm ĩ” về chuyện con nít đến trường bị thầy cô cho ăn đòn đến bầm dập, phải đưa uan niệm đi cấp cứu. Cho đến bây giờ, ý nghĩ “thương cho roi cho vọt” vẫn còn ám ảnh nhiều người Việt. Thậm chí, nó còn biến tướng thành những hiện trạng đáng lo ngại, trong đó có nạn bạo hành trẻ em.
Những ‘cây roi’ ngày xưa
Ông bà xưa thường nói “thương cho roi cho vọt”, ắt chỉ nghĩ đến sự răn đe, dạy dỗ. Roi và vọt cách đây vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, khi chữ nghĩa còn ít, người ta hiểu đơn thuần theo nghĩa đen: phải đánh thì con cái, học trò mới nên người. Nhưng xin thưa ấy là khi cái tôi của con người còn bị đè bẹp dưới cái tôn ti trật tự theo lề lối cũ, khi người ta chưa ý thức được giá trị thật sự của con người là quyền được bảo vệ thân thể, sức khỏe, tính mạng. Và đặc biệt, đó là khi cha mẹ, thầy cô dùng đúng những “cái roi” không hơn không kém, bắt các em nhỏ nằm xuống mà đánh vào mông rồi lại nhanh chóng xuýt xoa, lấy dầu ra thoa, lấy bánh kẹo dỗ dành.
Ngày xưa bản thân tôi cũng thường ăn roi vì nghịch ngợm, phá phách ở làng xóm, láng giềng. Bị ăn roi vì những lần đi chơi khuya lắc mà ba mẹ phải chong đèn dầu đi tìm khắp xóm mãi mới tìm thấy được con đang mãi mê xem phim với lũ trẻ hàng xóm. Nhưng ba mẹ đánh, cũng chỉ đánh vào mông vài ba cây, rồi dạy từng lời hay ý đẹp, để rồi sau này trưởng thành tôi ý thức được sự quý giá của “cái roi tình thương” đó như thế nào. Đến bây giờ, tôi vẫn ủng hộ những cái “roi tình thương” kiểu ấy để cho những đứa trẻ biết được giới hạn của chúng – nó cũng giống như việc phạt con trẻ nhịn cơm của một số ông cha, bà mẹ phương Tây vậy thôi. Chẳng chết được, nhưng trẻ lớn lên sẽ thấy quý.
Và sự biến tướng thành ‘ác nhân’
Phải nói rằng nhiều người nhân danh “roi vọt” thể hiện sự yêu thương để thỏa mãn được cơn thịnh nộ của bản thân. Hãy nhìn mà xem, những đoạn clip người giữ trẻ đánh con nít vì lười ăn, vì không nghe lời... khiến bất cứ người phương Tây nào nhìn vào cũng hoảng sợ. Người Việt cũng không ngoại lệ, dù chúng ta vốn chấp nhận “thương cho roi cho vọt” từ cách đây hàng trăm năm trước. Đầu tóc, mặt mũi, tay chân, cả bộ phận sinh dục... bất cứ đâu cũng dễ trở thành nạn nhân của những kẻ xưng làm “thầy cô” để bạo hành, ngược đãi trẻ. Sự biến tướng ghê gớm của “cái roi” thành “ác nhân” khiến người ta mất dần niềm tin vào một bộ phận thầy cô giáo – vốn có quyền đặc biệt, bên cạnh cha mẹ, cầm lấy “cái roi”.
Trong một xã hội ngày càng tăng áp lực công việc, cái ác, cái bạo hành lại càng tăng theo. Việc nhà nước thiếu kiểm soát các điểm dạy trẻ, giữ trẻ đã khiến biết bao trẻ em đã và đang trở thành nạn nhân của những kẻ thiếu kiên nhẫn, thích bạo hành không hơn không kém. Những cô “bảo mẫu” với thân hình và hành động như những tên đồ tể vẫn cứ ngang nhiên nhận giữ trẻ, nuôi trẻ ở khắp mọi nơi, để rồi dùng bạo lực để trấn áp một cách dã man những đứa trẻ chưa biết chuyện đời, và sau đó trở nên hoảng loạn, sợ hãi. Việc tồn tại nạn bạo hành với trẻ em trong giáo dục còn thể hiện sự bất lực của chính sách bình đẳng mà bất kỳ trẻ em nào tại Việt Nam đều có quyền được hưởng.
Bình đẳng trong giáo dục
Nạn bạo hành trẻ phần nào phản ánh sự bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay của Việt Nam. Bình đẳng là khi một đứa trẻ, dù mắc hội chứng gì (không đơn giản là biếng ăn, khó bảo, hiếu động mà còn chậm nói, kém phát triển trí não,...), cũng phải được thầy cô ứng xử, yêu thương như tất cả các trẻ khác. Thậm chí phải chu đáo, gần gũi hơn với các em nếu không muốn hầu tòa. Bình đẳng là khi trẻ được tạo mọi điều kiện để học và phát triển tự nhiên, chứ không phải bị nhồi nhét, ép vào khuôn khổ một cách máy móc, để rồi khi đứa trẻ vô thức không vâng lời thì ngay lập tức bị ăn đòn.
Ở nước mình, thường thì các em nghịch ngợm, học kém, hay kém thông minh sẽ ít được quan tâm. Thầy cô cũng vì thế mà dễ vung roi, vung vọt với các em hơn bao giờ hết. Nhiều thầy cô cũng chính là hệ lụy của sự bất bình đẳng mà họ cảm thụ từ một quá trình dài trước đó. Ở Tây, không thể có chuyện “ưu ái” cho bất kỳ một em nào, dù em đó có khả năng đặc biệt. Trái lại các em yếu kém, khó bảo,... cần sự kiên trì từ các thầy cô.
Để có được những thầy cô như thế, giáo dục phải đảm bảo được ít nhất ba điều kiện. Một là, phải đảm bảo việc đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên mầm non hay tiểu học, một cách bài bản. Trong khi các nước rất chú trọng việc này, thì ở Việt Nam, việc trở thành cô giáo, bảo mẫu... dễ như ăn cơm bữa. Ngành sư phạm mầm non vẫn là ngành điểm chuẩn đầu vào thấp, thu hút một bộ phận không nhỏ những người vốn chẳng có tố chất và tri thức mới để làm giáo viên hay chỉ là một người giữ trẻ. Họ thiếu kiên nhân và dễ dàng đánh đập những đứa học trò, trẻ con một cách không thương tiếc.
Bên cạnh đó, phải quản lý hệ thống giữ trẻ, mẫu giáo một cách bài bản và hiệu quả. Tại sao nhiều điểm giữ trẻ tự phát vẫn nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, dù năm nào dân cũng đóng thuế để nhà nước quản lý việc này? Tại sao chẳng ai lên tiếng chịu trách nhiệm về mặt quản lý sau các vụ trẻ em bị bạo hành? Có chăng là nhiều vị thẳng tay xử lý những người vi phạm, còn trách nhiệm quản lý thì bị phủ nhận hoàn toàn.
Khi trình độ tri thức tăng dần, con người ta cần định dạng lại “cây roi” ngày nào. Đó không phải là sự bất lực khi phải “đánh” thay vì “dạy”. Đó càng không phải là phương tiện để bất kỳ ai, dù có nhân danh thầy cô, giải quyết cảm xúc tức giận của cá nhân. Khi nhà nước xây dựng được một nền giáo dục thật sự bình đẳng, ắt hẳn “cây roi” vẫn còn nguyên giá trị của sự yêu thương, song sẽ không còn bạo hành trẻ em.