Đường dẫn truy cập

Tại sao cứ chấp nhận các nghiên cứu 'cất ngăn kéo'


Sáng 12-6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bắt đầu phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Mạnh Cường đặt vấn đề: Hiện nay, mặc dù ngân sách còn khiêm tốn, mỗi năm Bộ vẫn dành đến 1.300 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, nhưng kết quả của việc đầu tư này chỉ là sự xuất hiện của quá nhiều đề tài “cất ngăn kéo”.

Lạm phát nghiên cứu

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường hỏi: “Có phải ở Việt Nam, sản phẩm khoa học công nghệ nghiệm thu trên bàn giấy là chủ yếu? Hay chính bởi đầu tư dàn trải? Có hay không cơ chế xin cho? Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?” Trả lời đại biểu Cường, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định phải phân loại rõ ba loại đề tài nghiên cứu vẫn thường được gọi chung là “cất ngăn kéo” ấy (?!).

Ông Quân diễn giải tương đối nhiều để chứng minh cho thứ mà người ta gọi là nghiên cứu “cất ngăn kéo” là có lý. Bản thân tôi không biết ông Quân có thời gian “thị sát” thực tế thường xuyên hay chưa, và dù cho sự lý giải của ông Quân là có lý ở khía cạnh lý thuyết thì về mặt thực tế, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, đúng như ông Cường đặt vấn đề, “cất ngăn kéo” chính là nghĩa đen – một hiện tượng không khó thấy nếu thị sát.

Bản thân tôi từng là sinh viên và cũng quan tâm đến nghiên cứu khoa học nên vẫn theo sát hoạt động này, đặc biệt tại các trường đại học. Phải nói rằng ngành giáo dục đang “lạm phát nghiên cứu”. Không khó để hiểu vấn nạn này, khi chúng ta trong nhiều năm qua đã lạm phát bằng thạc sỹ, tiến sỹ - vốn phải cần có các công trình nghiên cứu, thậm chí là các bài viết xuất bản trên tạp chí. Bên cạnh hàng tá bằng cấp “dỏm” thì hiển nhiên, sẽ tồn tại hàng tá các công trình nghiên cứu tương ứng “dỏm” đúng nghĩa.

Nhìn thử danh sách đề tài nghiên cứu hàng năm của nhiều trường đại học, cao đẳng... không ít người chỉ biết thở dài vì chẳng biết mấy vị giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu cái đó để làm gì? Cho ai? Hay lợi ở điểm nào? Thậm chí tinh ý một chút là biết các vị “ăn cắp” bài của người khác và biến thành của mình một cách trắng trợn. Tiếng tăm “đạo văn” của không ít các vị mà người đời gọi là chuyên gia vốn rất nổi tiếng trên các mặt báo quốc tế. Hòa cùng với “thành tích bằng cấp” của Việt Nam, số lượng nhà nghiên cứu “dỏm” dường như vẫn đang tăng dần theo từng năm tháng. Thậm chí có người mang tiếng “nhà khoa học” để rồi sau khi đánh giá tác động môi trường của công trình thủy điện, đã đặt hàng ngàn “mạng người” dưới lưỡi hái tử thần. Việc nghiên cứu chỉ “cất ngăn kéo” cũng xuất phát từ lý do chúng ta thừa nhà nghiên cứu, nhưng thiếu những nhà nghiên cứu chân chính – nghiên cứu không chỉ vì đam mê, mà còn vì những mục đích thiết thực và cụ thể. Mà hệ lụy của việc này chính là sản sinh thêm những thế hệ vốn chẳng có năng lực nghiên cứu, chỉ có năng lực “vòi tiền”.

Tiền cứ đổ vào đống giấy phủ bụi

Khi thử đặt vấn đề tại sao “không có gì mới mà vẫn nghiên cứu?” Thậm chí có những người đọc và áp đặt một cách vô thưởng vô phạt các đề tài mà câu trước với câu sau chẳng liên quan gì nhau (và chính họ cũng không biết). Điều này khiến tôi nhớ lại một bài báo “lạm phát đề tài nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc” – những người vốn đã bận tối tăm mặt mũi vì bệnh nhân, mà vẫn phải đảm bảo chỉ tiêu “bài vở nghiên cứu”. Thế là sinh ra cái ngành “giúp làm công trình nghiên cứu khoa học”.

Một nhóm người khác thích nghiên cứu, đơn thuần chỉ vì nhà nước ưu đãi nghiên cứu và giải ngân liên tục số tiền lên đến hàng chục tỷ, trăm tỷ hàng năm. Chỉ cần cái học vị kèm với vài ba chữ “chém gió”, rồi cóp nhặt vài ba dòng của người này, vài ba trang của người khác... thành ra một bài “nghiên cứu” để bỏ túi hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng, rồi sau đó đưa công trình của mình vào “lãnh cung”. Cái mà nhiều “nhà nghiên cứu” đang hướng tới, vốn không phải là công trình nghiên cứu, mà chính là số tiền không giải ngân không được, thành ra nghiên cứu để “xin tiền” chứ không phải để tạo ra một thành quả nào mới về khoa học.

Hay gần gũi hơn, thử nhìn sang việc nghiên cứu khoa học của giới sinh viên, vốn cũng tiêu tốn tiền tỷ hàng năm của chính phủ. Không ít sinh viên dù có đam mê, nhưng không được hỗ trợ đúng mức về cả chuyên môn lẫn tài chính nên nhanh chóng bỏ dở đề tài nghiên cứu, hoặc làm cho có để nhận được danh hiệu này, thành tích nọ vốn buộc họ phải có công trình nghiên cứu. Nhìn thử tủ đựng công trình nghiên cứu của các trường đại học, hay như kho đựng công trình nghiên cứu giải thưởng Euréka đầy danh giá nhưng bị phủ đầy bụi mà thấy xót xa. Tiền có, sức có, thời gian có... để rồi chẳng áp dụng được gì ngoài việc “báo cáo thành tích” – không hơn và không kém.

Sợi dây ‘nhà nước – nhà khoa học’ bị đứt

Nếu ông Nguyễn Quân nói rằng “phải chấp nhận các công trình cất ngăn kéo” vì nó là nghiên cứu cơ bản, chẳng biết khái niệm ấy nằm trong sách vở nào? Của ai? Hay do chính ông Quân hiểu chưa đúng về các nghiên cứu cơ bản. Việc tiến hành nghiên cứu cơ bản thực tế phục vụ cho các nghiên cứu cao hơn, và được vận dụng liên tục thông qua hoạt động tham khảo, trích dẫn hay xây dựng khung lý thuyết... Chưa thấy nước nào tuyên bố nghiên cứu cơ bản để “cất ngăn kéo”.

Cái mà các đại biểu lo ngại về chuyện “cất ngăn kéo” chính là việc nhà nước chưa dùng (hoặc không thể dùng) các công trình nghiên cứu. Việc tiến hành nghiên cứu phải dựa trên cơ chế “cung-cầu”, tức phải có nhu cầu, mục đích nghiên cứu một cách rõ ràng, ngắn hạn lẫn dài hơi. Người “cầu” không ai khác chính là nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp, hay bất kỳ cá nhân nào. Dựa trên nhu cầu đó, các nhà kkhoa học tiến hành đề xuất và nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho một nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, nhà nước phải có vai trò quy tụ và tạo ra một môi trường hay cơ chế chung để tạo ra “thị trường nhu cầu” các công trình nghiên cứu. Trong khi ở “nhà mình”, hàng năm vẫn thường nghe “chỉ tiêu” về số lượng, về ngân sách... cho hoạt động nghiên cứu, kích thích mọi người đua nhau kiếm tiền, chứ chẳng thấy đâu là “cầu” để rồi có “cung” tương ứng. Thế nên chả trách phải “cất ngăn kéo”.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG