Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam. Với sứ mạng giảng dạy tiếng Anh, lớp trẻ sau thế hệ từng tham chiến tại Việt Nam sẽ tới đây để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị song phương.
Được thành lập hơn nửa thế kỷ nay, Tổ chức Peace Corps đã đưa hàng trăm ngàn tình nguyện viên Mỹ tới hơn 140 quốc gia để phát huy hòa bình-hữu nghị thế giới thông qua các mục tiêu: giúp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân các nước và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước. Tháng 9 này, những thiện nguyện của Peace Corps sẽ tới Myanmar và Việt Nam sẽ là đích đến thứ 142 của tổ chức trên toàn cầu.
Peace Corps là một chương trình tình nguyện do chính phủ điều hành. Công dân Mỹ tham gia chương trình thường sẽ lưu lại làm việc ở nước chủ nhà khoảng hai năm, nhưng có thể xin gia hạn thời gian phục vụ dài hơn.
Những tình nguyện viên Peace Corps sẽ nỗ lực phát triển các giải pháp bền vững để giải quyết những thách thức về giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, nông nghiệp, môi trường, và phát triển giới trẻ. Thông qua quá trình phụng sự, các tình nguyện viên sẽ rút tỉa được những hiểu biết độc đáo về văn hóa và sự dấn thân phục vụ sẽ đưa họ đến những thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay.
Trong cuộc phỏng vấn của chương trình VOA’s English Press Conference USA, Trà Mi đã trao đổi với Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, về các kế hoạch cho chương trình mới mang tính lịch sử tại Việt Nam.
Giám đốc Peace Corps: Thế giới của chúng ta liên kết qua lại chặt chẽ, phức tạp, và thay đổi nhanh chóng. Cho nên, hơn bao giờ hết, Peace Corps rất cần thiết để giúp xây dựng các giềng mối chặt chẽ của tình hữu nghị giữa Mỹ với thế giới. Để đạt được sứ mạng hòa bình và hữu nghị thế giới, chúng tôi có ba mục tiêu. Thứ nhất là mục tiêu phát triển, giúp cộng đồng phát triển những kỹ năng và sự thành thạo cần có để tăng trưởng. Mục tiêu thứ hai là cổ súy sự hiểu biết của người dân các nước mà chúng tôi đến phục vụ về người Mỹ. Mục tiêu thứ ba là mang thế giới bên ngoài về nước để giáo dục người Mỹ về các nước. Đây là hai mục tiêu văn hóa. Mỹ muốn duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế trong tương lai thì cần phải nỗ lực mạnh mẽ cùng với các nước đối tác. Trong thế giới toàn cầu ngày nay, chúng ta cần những người Mỹ có thể nói được những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, hiểu được các nền văn hóa khác nhau, và có thể phối hợp cùng làm việc để giải quyết những vấn đề phức tạp mà các nước trên toàn cầu đang đối mặt. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc xây dựng tính chuyên môn tại các nước chúng tôi đến để cùng nhau tạo nên một cộng đồng toàn cầu tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Trà Mi: Chương trình Peace Corps đầu tiên tại Việt Nam sắp ra đời, theo loan báo hồi tháng 5 trong chuyến công du của Tổng thống Obama. Xin giải thích một chút về thời điểm thành lập Peace Corps tại Việt Nam, tại sao là lúc này mà không là sớm hơn?
Giám đốc Peace Corps: Câu hỏi rất hay. Chúng tôi đã nhiều lúc muốn thành lập Peace Corps nhưng vì lịch sử hai nước, cho nên đã phải mất một thời gian dài. Chương trình Peace Corps thật sự dựa trên mối quan hệ tin cậy. Thời điểm này thật đúng lúc, nhất là được loan báo nhân chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam. Chúng tôi háo hức muốn phục vụ người dân Việt Nam và xây dựng mối quan hệ giữa hai nước thông qua chương trình giáo dục, dạy tiếng Anh.
Trà Mi: Bao lâu nữa thì chương trình chính thức có mặt tại Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi đã ký thỏa thuận giữa hai nước vào tháng 5. Peace Corps chỉ bước vào một nước khi được nước đó mời. Chúng tôi không tự ý tới. Chúng tôi luôn chờ thư mời của nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi đã có lá thư đó từ Việt Nam, chúng tôi đã ký thỏa thuận cụ thể hóa công việc sẽ làm, đó là giáo dục tiếng Anh. Còn nhiều chi tiết phải xác định rõ. Tôi dự định quay lại Việt Nam vào tháng 10 tới đây để thảo luận về các bước tiếp theo. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhanh nhất có thể, nhưng thật lòng mà nói, sẽ phải mất ít nhất 1 năm nữa. Chúng tôi cần thiết lập sự đồng thuận, thuê mướn nhân viên, xác định các trường học mà những thiện nguyện viên sẽ tới dạy cũng như những gia đình chủ nhà đón tiếp các thiện nguyện viên. Có rất nhiều thứ phải làm trước khi có thể mở một chương trình hoạt động. Cho nên phải mất thời gian ít nhất 1 năm.
Trà Mi: Và một khi được thành lập, chương trình này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Giám đốc Peace Corps: Cho tới chừng nào chính phủ Việt Nam vẫn còn muốn các tình nguyện viên Peace Corps hiện diện ở đó. Không có thời hạn chót.
Trà Mi: Xin bà cho biết sẽ có bao nhiêu tình nguyện viên được phái sang Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi thường bắt đầu với một nhóm nhỏ, thường khoảng 20 tình nguyện viên và từ từ sẽ tăng lên. Như Mông Cổ chẳng hạn, hiện đã có 141. Chúng tôi thường nhắm tới con số cuối cùng là 150 tình nguyện, nhưng khởi đầu thường là một nhóm nhỏ.
Trà Mi: Xin cho biết thêm về những nỗ lực sắp tới tại Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Các nỗ lực chính là thiết lập lên chương trình và khởi sự chương trình dạy tiếng Anh. Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng tiếp cận tiếng Anh. Hiện đã có chương trình Fulbright ở đó, rất thành công, và chúng tôi vui mừng được hợp tác với các bạn trong chương trình Fulbright. Chủ yếu các thiện nguyện viên của chúng tôi sẽ dạy tiếng Anh, không chỉ cho các học viên tiếng Anh mà còn hỗ trợ cho cả các giáo viên dạy tiếng Anh nữa.
Trà Mi: Tại sao trọng tâm của chương trình Peace Corps tại Việt Nam lại là dạy tiếng Anh?
Giám đốc Peace Corps: Vì đó là điều mà chính phủ Việt Nam yêu cầu, chúng tôi đáp ứng đề nghị của nước chủ nhà. Họ có nhu cầu gì nằm trong phạm vi hoạt động của chúng tôi thì chúng tôi sẵn lòng đáp ứng. Dạy tiếng Anh thường là chương trình chúng tôi bắt đầu trước nhất, thường là chương trình mà các nước chủ nhà cần nhất.
Trà Mi: Vì sao sự hiện diện của Peace Corps tại Việt Nam được đánh giá là quan trọng?
Giám đốc Peace Corps: Tôi cho là hết sức quan trọng. Nó cho thấy mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn của bang giao Việt-Mỹ. Nhìn vào lịch sử, rồi nhìn lại hiện tại, thấy người Mỹ sinh sống và làm việc cùng với người Việt ở cấp độ cộng đồng quả là một bước quan trọng, một biểu hiện rõ rệt của mối quan hệ bình thường hóa giữa hai nước.
Trà Mi: Một trong những mục tiêu chính của Peace Corps là giúp giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất tại nước chủ nhà, trong trường hợp của Việt Nam, các nhu cầu đó là gì, thưa bà?
Giám đốc Peace Corps: Nhu cầu bức thiết nhất của họ cũng chính là điều họ yêu cầu chúng tôi: dạy tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại, của du hành, và của thế giới. Các nước như Việt Nam và nhiều nước khác nữa trên thế giới hiểu rõ là nếu họ muốn giao tiếp với thế giới, họ cần phải nắm được ngôn ngữ giao tiếp chung, đó chính là tiếng Anh.
Trà Mi: Có những thử thách hay trở ngại gì trước mắt khiến bà quan tâm chăng?
Giám đốc Peace Corps: Tại Việt Nam, hiện giờ chưa có trở ngại gì. Tôi rất nóng lòng muốn khởi động chương trình tại Việt Nam. Tôi rất lạc quan, rất vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cho việc này. Họ khuyến khích chúng tôi sớm trở lại và ổn định kế hoạch thực thi chương trình để bắt tay ngay.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với Giám đốc Peace Corps
Your browser doesn’t support HTML5
Khi tới Việt Nam, các tình nguyện của Peace Corps sẽ trải qua 3 tháng đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ, và kỹ thuật trước khi nhận nhiệm vụ kéo dài trong 2 năm.
Giáo dục là lĩnh vực lớn nhất trong chương trình Peace Corps, chiếm 37% tổng số tình nguyện viên trong tổ chức.
Peace Corps đến và lưu lại một quốc gia theo yêu cầu của nước chủ nhà. Có những nơi họ rời đi sau khi nước chủ nhà cảm thấy mục tiêu đã đạt và không cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ Peace Corps nữa. Ngoài ra cũng có những lý do khác khiến các tình nguyện viên Peace Corps phải từ giã một quốc gia, chẳng hạn như các yếu tố về an ninh, an toàn, và chăm sóc y tế.
Peace Corps dựa trên nền tảng sự tự nguyện dấn thân, một trong những giá trị được đề cao trong giáo dục Hoa Kỳ. Chương trình được thành lập vào năm 1961 bởi Tổng thống John F. Kennedy, nhà lãnh đạo nổi tiếng với câu nói bất hủ: ‘Đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi rằng bạn có thể làm gì cho quốc gia của mình.’
Tổ chức Hòa bình từng được xem là cách thức đối trọng với tình cảm bài Mỹ hoặc những ấn tượng không đẹp về ‘chủ nghĩa đế quốc Mỹ’, đặc biệt tại thế giới thứ ba, tại các quốc gia mới xuất hiện ở châu Á và châu Phi thời hậu thuộc địa.
Dù đa số tình nguyện viên tham gia Tổ chức Hòa bình là người trẻ, nhưng Giám đốc Carrie Hessler-Radelet cho biết tình nguyện viên cao tuổi nhất trong Peace Corps hiện nay là bà Alice Carter, 87 tuổi.
Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, cũng từng là một tình nguyện viên của tổ chức phục vụ tại Western Samoa vào đầu thập niên 80.