Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Na Uy công kích Facebook vì chặn ảnh 'em bé Napalm'


Tờ Aftenposten đã đưa bức ảnh 'em bé Napalm' lên trang nhất hôm thứ Sáu, cùng với một bài xã luận với tựa đề 'Mark Zuckerberg thân mến', với nội dung lên án Facebook đang phá hoại nền dân chủ.
Tờ Aftenposten đã đưa bức ảnh 'em bé Napalm' lên trang nhất hôm thứ Sáu, cùng với một bài xã luận với tựa đề 'Mark Zuckerberg thân mến', với nội dung lên án Facebook đang phá hoại nền dân chủ.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm thứ Sáu đã tham gia chiến dịch do một tờ báo Na Uy phát động lên án mạng xã hội Facebook đã “kiểm duyệt quá đáng” khi chặn tấm ảnh nổi tiếng “em bé Napalm” trong Cuộc chiến tranh Việt Nam vì lý do em bé trong ảnh “khỏa thân” trong lúc người em bị lửa từ bom napalm đốt cháy.

Bà Solberg đã đưa tấm ảnh mang tính biểu tượng của thời chiến tranh Việt Nam lên trang Facebook cá nhân và viết rằng tấm ảnh đã góp phần làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới.

Reteurs trích dẫn Facebook của Thủ tướng Na Uy viết “Facebook đã sai khi kiểm duyệt tấm ảnh như thế này. Điều đó giới hạn tự do ngôn luận”. Bà Solberg viết thêm rằng “Tôi nói ‘có’ với việc tranh luận lành mạnh, cởi mở và tự do, trực tuyến và ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng tôi nói ‘không’ với kiểu kiểm duyệt như thế này”.

Vài giờ sau khi bà Solberg đăng ảnh lên Facebook cá nhân, tấm ảnh đã được xóa khỏi trang này.

Theo Reuters, mạng xã hội khổng lồ đã xóa tấm ảnh “em bé Napalm” trên trang Facebook của nhiều cây bút Na Uy và các hãng tin, trong đó có tờ Aftenposten, hiện là nhật báo bán chạy nhất hiện nay.

Tấm ảnh đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer đã được nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng tin AP chụp vào năm 1972, trong đó có hình ảnh của một bé gái vừa khóc vừa chạy khỏi một ngôi làng ở Việt Nam đang bị dội bom napalm. Trên người cô bé 9 tuổi ấy hoàn toàn không một mảnh vải che thân.

Tờ Aftenposten đã đưa bức ảnh này lên trang nhất của tờ báo vào hôm thứ Sáu, bên cạnh là logo của Facebook, cùng với một bài xã luận với tựa đề “Mark Zuckerberg thân mến”, với nội dung lên án mạng xã hội lớn nhất thế giới đang phá hoại nền dân chủ.

Trước khi xóa tấm ảnh trên trang mạng xã hội của tờ Aftenposten, Facebook đã gửi yêu cầu tờ báo phải dỡ bỏ ảnh này. Nhưng Trưởng Ban biên tập và CEO của tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen, được news.com.au trích thư nói “Tôi sẽ không tuân theo yêu cầu xóa ảnh tư liệu chiến tranh Việt Nam của ông Nick Út”, đồng thời khẳng định “Hôm nay không, và tương lai cũng không”.

Người chịu trách nhiệm nội dung của tờ Aftenposten nói thêm rằng “Các biên tập viên sẽ không thể chịu nổi anh, Mark, sếp của các biên tập viên”.

Bài xã luận của Aftenposten còn nói rằng Facebook cần phân biệt được sự khác biệt giữa nội dung khiêu dâm trẻ em và tấm ảnh chiến tranh nổi tiếng.

Tấm ảnh 'em bé Napalm' đoạt giải thưởng Pulitzer đã được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp vào năm 1972.
Tấm ảnh 'em bé Napalm' đoạt giải thưởng Pulitzer đã được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp vào năm 1972.

Hiện Facebook đang phải đối diện với những lời chỉ trích về các quy định của nội dung trong lúc đại công ty này đang cố gắng tìm ra một chuẩn chung để áp dụng cho khoảng 1,7 tỷ người sử dụng mỗi tháng trên toàn cầu. Việc cấm nội dung khiêu dâm hay chặn đăng ảnh nghệ thuật hoặc ảnh lịch sử như thế này hiện đang là tâm điểm của những cuộc tranh cãi tại Na Uy.

Trong một tuyên bố về nguyên tắc của mình, Facebook nói mạng xã hội này sẽ thẳng tay hơn so với mong muốn và những hạn chế về ảnh khoả thân là cần thiết trên một mạng xã hội toàn cầu.

Reuters trích lời một phát ngôn viên của Facebook viết: “Chúng ta biết là bức ảnh này mang tính biểu tượng, nhưng rất khó khăn để tạo ra một sự phân biệt giữa việc cho phép một bức ảnh đứa trẻ khỏa thân trong trường hợp này và lại không cho phép trường hợp khác.

Cũng theo lời phát ngôn viên này thì “Các giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện các chính sách và cách thức mà chúng tôi áp dụng chúng”.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook gặp rắc rối liên quan đến việc “kiểm duyệt” nội dung. Hồi tháng 5, một thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng đòi Facebook phải giải thích về những cáo buộc cho rằng trang mạng xã hội này “kiểm duyệt” tin tức bảo thủ.

Sau khi chuyển việc “kiểm duyệt” từ người sang hệ thống tự động, Facebook lại bị vướng vào vụ đưa tin giả về việc người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình Fox New, Megyn Kelly, bị sa thải vì ủng hộ cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ ở Mỹ.

Theo Bloomberg, The Guardian

VOA Express

XS
SM
MD
LG