Giao lộ văn hóa: phụ tử tình thâm và vết thương tâm lý không lành

Giao lộ văn hóa: phụ tử tình thâm và vết thương tâm lý không lành

"Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" quan niệm dạy dỗ con cái như vậy đúng hay sai? Mời quí vị theo dõi cuốn tự truyện: "I Love Yous are for the White People" xin tạm dịch: "Chỉ Có Người Da Trắng mới nói: Con Yêu Bố" của tác giả Lạc Sử, người mang hai dòng máu Việt-Hoa và khi đến Mỹ trở thành một người Mỹ gốc Á, nói về kinh nghiệm đau đớn của một thiếu niên chịu sự giáo dục khắc nghiệt của gia đình đông phương trong một xã hội Mỹ cởi mở, và cho đến nay vết thương tâm lý đó vẫn chưa lành mặc dù tác giả là môt người thành công về đường học vấn và nghề nghiệp. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ giới thiệu cuốn sách qua phần tóm lược bài nói chuyện của tác giả với đài phát thanh Natioanl Public Radio NPR và sau đó là bài phỏng vấn tác giả Lạc Sử do Lan Phương thực hiện.

Được gia đình đưa đi vượt biển năm 1978 lúc 3 tuổi, bé Lạc Sử cùng cha mẹ tạm trú trong trại tỵ nạn Hồng Kông gần một năm rồi được một tổ chức Phật giáo trong vùng Los Angeles bảo trợ và định cư ở đó. Ông bố trong gia đình là một người Việt gốc Hoa và mẹ là người Việt. Điều không may, chỉ 3 năm sau khi đến Mỹ, cha của Lạc Sử ngã bệnh và trở thành một người tàn phế, mẹ anh phải ở nhà chăm sóc bố ngay vào lúc mà gia đình rất cần một người vững mạnh làm cột trụ. Do đó cả gia đình đành phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội trong hoàn cảnh nghèo túng. Chính vì vậy mà cha của Lạc Sử trở thành một người trầm cảm, uất ức và cay đắng về hoàn cảnh của ông.

Theo truyền thống Á đông, ông luôn luôn đặt nặng thành công về đường học vấn, nhưng cách mà ông dạy dỗ con trai để anh theo đuổi học vấn lại quá khắc nghiệt. Sau một ngày học tại trường 6-7 tiếng đồng hồ, về đến nhà Lạc Sử bị cha bắt học Hoa ngữ, thường kéo dài 3-4 giờ nữa, với 3 cây roi bày sẵn bên cạnh. Nếu viết sai, đọc sai là ăn đòn ngay lập tức. Giờ đây hồi cố lại tác giả Lạc Sử không thể tưởng tượng nổi một đứa bé làm sao mà học hỏi được gì khi lúc nào cũng sợ chết khiếp như thế.

Tác giả cho biết anh đã bị đánh đòn ngay từ lúc mới 2-3 tuổi khi còn ở Việt Nam, và đòn vọt của cha anh chỉ chấm dứt khi anh học năm thứ hai đại học.

Trong lứa tuổi thiếu niên, có lần Lạc Sử lấy trộm tiền để dành của mẹ đem cho bạn trong xóm đi chơi videogame. Tác giả giải thích rằng lúc đó anh muốn làm bạn với một tên bắt nạt trong xóm để nhờ vậy mà có thể đàn đúm bạn bè, taọ được cảm giác là thuộc về một phe nhóm nào đó. Sau đó bố anh biết được vụ việc, dần cho anh môt trận đòn nhừ tử trong suốt nửa tiếng đồng hồ mà còn chưa hả vì cho rằng đứa con không coi đòn vọt ra gì, mặc dù lúc đó Lạc Sử đã như cái mền rách. Cuối cùng ông bố xé toạc quần áo của đứa con, đẩy nó ra đường, ngay tại đại lộ Hoàng Hôn (Sunset Boulevard) ở Los Angeles, đông nghẹt người. Tất cả mọi người trong xóm đổ xô ra xem, trong đó có cả đám bạn chơi game và tên chuyên môn bắt nạt, chúng cười, nhạo báng Lạc Sử và anh kể lại rằng ngay lúc đó, tất cả cái đau đớn thể xác vì trận đòn chẳng thấm gì với cái đau khi bị chúng bạn nhạo báng nhìn thân thể gần như trần truồng của anh giữa đường phố đông người như vậy.

Mẹ anh, một người đàn bà lúc nào cũng khép nép trước ông chồng, chẳng dám can thiệp, và chính bà cũng đã bị ông chồng tẩy não và rất sợ ông. Tuy nhiên những cảnh anh bị bố hành hạ, đánh đập thường được giữ kín trong gia đình, và ông bố còn cách hăm doạ, gây cho đứa con một mặc cảm tội lỗi rằng nếu Lạc Sử mà tố với cảnh sát thì ông sẽ ở tù mãn đời và con ông sẽ chẳng bao giờ được gặp cha nữa.

Cũng vì lối dạy con như vậy mà Lạc Sử luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm, và có lần đã dính dấp vào một băng đảng trong tuổi niên thiếu.
Tác giả thuật lại có một lần, hồi học cấp hai, anh đến thăm một bạn cùng lớp tên Art,vào ngày trước lễ giáng sinh, Lạc Sử chứng kiến cảnh cả gia đình bạn quây quần ăn mừng lễ và nói với nhau những lời yêu thương. Lạc Sử thấy Art đến nói với cha rằng cậu ta yêu thương bố lắm và cũng được bố đáp lại như vậy. Cậu thiếu niên dược chứng kiến cảnh đầm ấm của gia đình bạn, mừng quá, nghĩ rằng "à ra vậy, chỉ tại mình chẳng bao giờ nói với bố lời yêu thương như thế nên ông mới xử với mình như vậy." Thế là là cậu chạy ngay về nhà,nói với bố rằng cậu yêu bố. Không thấy cha trả lời, Lạc Sử tưởng ông không nghe nên nhắc lại lần thứ hai. Điều không ngờ là sau đó Lạc Sử ăn ngay mấy cái tát tai của ông bố và bị chỉ mặt nói rằng: "chớ bao giờ được dùng những lời lẽ như thế một lần nữa, những lời đó chỉ có người da trắng mới nói thôi". Người Á châu, nhất là trong gia đình tác giả, người ta không bày tỏ tình cảm như vậy, mà chỉ bày tỏ qua hành động. Kể từ đấy tác giả rất sợ 3 từ "I love you" và trong một thời gian dài không dùng đến nó.

Tác giả cho rằng có lẽ cả văn hóa của người Hoa lẫn cá tính riêng của ông bố khiến ông đối xử với con như vậy.

Tác giả giải thích thêm là bố anh mồ côi từ năm 12 tuổi,không có được tình âu yếm của gia đình ruột thịt nên ông có lề lối suy nghĩ rất cứng rắn, và ông quan niệm rằng chỉ có thể dạy dỗ con cái khi chúng còn nhỏ, đến khi lớn là vô phương. Điều trớ trêu đối với tác giả là cứ mỗi khi ông bố đánh anh xong lại nói rằng sở dĩ đánh đòn là vì ông thương mà đánh, đúng như câu "Yêu cho roi cho vọt", nhưng điều này khiến Lạc Sử phân vân chẳng hiểu ông bố như thế nào.

Tuy nhiên khi hỏi tác giả là anh có yêu bố anh không, anh trả lời là có, và anh nghĩ là bố anh yêu anh theo cái lối cuả ông, nhưng yêu thương kiểu đó, theo tác giả, nó không có lợi gì cho con trẻ.

Từ nhỏ cho đến bây giờ, bao giờ anh cũng vẫn yêu thương bố, và viết cuốn sách này, tác giả có thời giờ hồi cố lại những góc cạnh trong cuộc đời của người cha, và trong hoàn cảnh đời sống khó khăn của người Việt tỵ nạn, tất cả những yếu tố đã biến ông thành một người cứng rắn, chai đá.

Chúng tôi xin tiếp câu chuyện với bài phỏng vấn tác giả Lạc Sử, năm nay 36 tuổi, có văn bằng tiến sỹ về tâm lý, hiện phó chủ tịch công ty TalentSmart tại San Diego, một công ty giúp tham vấn về tâm lý nhân viên tại nơi làm việc.

VOA:
Trong gia đình Á động, người cha thường nghiêm khắc, xa cách con cái vì cho rằng trong gia đình cần phải có một người để cho con cái sợ mới kỷ luật chúng được, chứ như người mẹ quá mềm yếu con cái không sợ... có lẽ vì vậy mà chúng ta mói có câu cách ngôn "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Lạc Sử: Vâng, tôi nghĩ đến cái câu hỏi của bà rất nhiều, nhất là thời tôi đang lớn. Tôi bị dằng co giữa hai nền văn hóa, để tìm xem bản sắc của một người Việt di dân như thế nào. Tôi phải cân bằng giữa hai nền văn hóa. Từ bé trong gia đình tôi được trông đợi là phải theo sát truyền thống Việt, nhưng khi tôi ra ngoài xã hội thì người ta trông đợi tôi phải là một người khác. Lúc nào tôi cũng phải đối mặt với hai nền văn hóa khác nhau, và điều căn bản là tôi phải sống hai cuộc đời khác nhau.

Trong gia đình, cha tôi vẫn dạy tôi phải giữ truyền thống của người Việt, phải kính trọng người lớn tuổi, nhất là cha mẹ, Cái gì bố mẹ nói là đúng. Cha mẹ rất nghiêm khắc và kỷ luật trong việc nuôi dạy con cái, và bằng mọi cách làm sao để cha tôi phải dạy tôi với hy vọng là tôi sẽ thành công. Đó là cái bối cảnh văn hóa Việt của tôi. Thế rồi những gì trên truyền hình, ở trường học, đại học thì tôi thấy tôi là một cá nhân, tôi có ý kiến riêng của tôi, tư tưởng riêng của tôi, lối suy nghĩ riêng của tôi về thế giới, đó là một sự dằng co liên tục để tôi phải nín thinh, ngay cả khi mà tôi biết là cha mẹ tôi nói với tôi những điều mà tôi biết là không đúng.

VOA: Cái lối dạy dỗ của cha ông, trong con mắt của người Mỹ, là hành hạ trẻ con, nhưng rõ ràng là ông đã thành công trên đường học vấn, và tôi đoán ông còn thành công trong nhiều khía cạnh khác nữa. Vậy sự thành công đó là kết quả của lề lối dạy dỗ nghiêm khắc của cha ông hay là do chính cá tính của ông, khả năng của ông và ý chí của ông?

Lạc Sử: Đó là câu hỏi rất hay. Về phần tôi, tôi cho là cả hai. Cả do lối dạy dỗ của cha tôi, đồng thời cũng do cá tính và ý chí mạnh của tôi, để tôi tiếp tục tranh đấu đi đến thành công. Tôi là một người Mỹ đang nói chuyện với bà trên 2 quan điểm: Việt và Mỹ. Theo văn hóa Việt Nam thì cha tôi làm bất cứ điều gì để bảo đảm là tôi thành công. Bố tôi thường nói: "Bảo lần đầu không nghe, nói đến thứ nhì không nghe thì lần thứ ba là sử dụng roi vọt để cho chắc rằng con nhớ những gì ta dạy." Đó là nguyên nhân sinh ra chuyện đánh đập, hành hạ. Văn hóa Việt cho rằng đánh đập con là chuyện chấp nhận được.

Nhưng theo quan điểm của người Mỹ, đây là chuyện hành hạ trẻ con. Có những cách khác để dạy trẻ mà không làm cho chúng đau đớn.

Cách mà cha tôi dạy tôi đi quá khả năng mà chúng ta có thể nghĩ. Điều mà tôi được học trong các lớp dạy về tâm lý ở Mỹ là có hai cách để cho trẻ tuân lời. Cách tích cực là khi trẻ ngoan, làm được điều tốt và hài lòng người lớn thì ta khuyến khích chúng bằng lời khen ngợi, để chúng cảm thấy sung sướng về những gì chúng hoàn tất. Còn cách tiêu cực để chúng phải nghe lời là khi đứa trẻ làm lỗi, người lớn mắng mỏ, sỉ vả nó, để nó cảm thấy xấu hổ và trong tương lai sẽ không làm điều đó nữa. Đó là hai cách mà người ta có thể kỷ luật đứa bé. Riêng phần tôi, giờ đây tôi cũng đã là bố rồi, tôi chọn cách tích cực. Khi con tôi làm điều hay, tôi khen ngợi chúng. Tôi cho cách đó thành công hơn.

VOA: Nhưng khi chúng sai quấy thì ông làm thế nào?

Lạc Sử: Tôi bảo chúng ngồi xuống và nói chuyện với chúng. Tôi chỉ cho chúng thấy đâu là điều đúng phải làm. Vấn đề của cha tôi là cha tôi và tôi không bao giờ có đối thoại hai chiều. Ông không bao giờ cho tôi một không gian hay cho phép tôi đối thoại. Văn hóa của tôi nói rằng ông là người lớn, nên tôi phải nghe theo bất cứ điều gì mà ông nói, ngay cả khi ông sai. Không có đối thoại hai chiều.

Bà hỏi rằng bây giờ tôi đã thành công cho dù là trước đây tôi bị cha đánh đập?

Trước hết tôi phải định nghĩa xem thành công là gì? Có phải chỉ thành công trong đường học vấn mới là thành công? Nếu như vậy thì tôi thành công về học vấn và nghề nghiệp. Nhưng tôi thấy đau đớn vì những gì mà cha tôi xử với tôi từ khi tôi là một đứa bé. Vấn đề sức khoẻ tâm thần mà nhiều cộng đồng kể cả cộng đồng người Việt không nói tới, cái tổn hại về tâm lý, tâm trí và tình cảm mà đứa bé bị hành hạ phải chịu đựng. Cộng đồng người Việt chúng ta đo lường thành công bằng cách xét xem một người tiến xa đến đâu trên đường học vấn. Dường như trong cộng đồng người Việt, dó là cách duy nhất để đo lường mức độ thành công. Thế có ai đo lường mức độ hạnh phúc cuả một đứa bé ra sao hay không? Họ có trông chờ một người phải đủ lòng tự tin, dám nói thẳng ở ngoài xã hội hay không?

Để trả lời câu hỏi của bà tôi nhận là tôi thành công trong học vấn, thành công về nghề nghiệp, nhưng sâu kín trong tâm hồn, tôi vẫn là một thất bại vì khi lớn lên, cha tôi đã bịt miệng không cho tôi lên tiếng. Đến giờ này mà tôi vẫn còn bị dằng co không muốn nói thẳng, vì trong tâm khảm, tôi đã bị huấn luyện theo cái lối cha tôi dạy là câm miệng lại mặc dù là trong nhiều tình huống, tôi biết là tôi cần phải nói thẳng.

VOA: Có điều gì hay trong lối dạy dỗ con cái theo lối Á đông mà ông cho là cần phải giữ và cái gì dở cần phải bỏ?

Lạc Sử: Cha tôi là một người rất khôn ngoan và thông minh. Tôi phải khẳng định rõ là không có cha tôi thì tôi không có mặt ở đây hôm nay để nói chuyện với bà như một người đã thực hiện được giấc mơ nước Mỹ. Tôi hết sức biết ơn cha tôi đã liều mạng sống vượt biển đem gia đình sang đây. Cái lý do mà cuốn sách của tôi được rất nhiều người trong thế hệ di dân một rưỡi (1,5) và thế hệ di dân thứ nhì tìm đọc vì họ có thể đồng cảm được với rất nhiểu điều mà tôi nói đến. Di dân là câu chuyện rất phức tạp, và đây là một phương cách để tôi đưa ra cho người ta nói về những cách biệt giữa các thế hệ và văn hóa.

Tôi qúi trọng tất cả những bài học mà cha tôi đã dạy cho tôi căn cứ trên văn hóa Việt, như là phải kính trọng người lớn tuổi, phải giữ gìn nguồn gốc Việt, vì thực tế tôi ra đời ở Việt Nam, tôi là người Việt, và cần phải gìn giữ văn hóa đó. Tôi nói chuyện vói bà bằng tiếng Anh vì tôi đang quên dần tiếng Việt, nhưng tôi sẽ đi học tiếng Việt trở lại.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của học vấn, nhất là khi là một di dân ở xứ này, cha tôi luôn luôn nói rằng "tại nước Mỹ này, nhất là khi là một di dân gốc Việt, người ta đánh giá con bằng con đường học vấn của con, xem con tiến xa được bao nhiêu." Ông nói rằng học vấn là cái vé duy nhất để tiến vào ngưỡng cửa thành công tại nước Mỹ này. Tôi đặt nặng giá trị của những lời dạy dỗ ấy, và tôi thực hiện lời dạy dỗ này đối với các con tôi nữa. Đó là những gì mà tôi cho rằng các di dân, như những di dân gốc Việt cần phải gìn giữ.

Còn về những gì mà chúng ta cần phải bỏ, theo quan điểm của tôi, là lề lối mà chúng ta kỷ luật và thực hiện những lời dạy dỗ đối với con cái chúng ta. Chúng ta cần phải đối thoại với con cái, cần phải công nhận rằng con cái của chúng ta là những cá nhân, có ý kiến, lối suy nghĩ riêng của chúng, về thế giới chung quanh. Mặc dù chúng có những khác biệt với cha mẹ, điều đó cũng nên được chấp nhận. Thật là điều có ích cho cả cha lẫn con nếu đôi bên có thể nói chuyện được với nhau về những khác biệt mà không phải sợ hãi.

VOA: Thế còn lề lối dạy dỗ con cái của tây phương?

Lạc Sử: Tôi không thể nói vơ đũa cả nắm, nhưng cái quan điểm chung thường cho rằng lề lối dạy dỗ con cái của tây phương quá dễ dãi, không khó khăn như người đông phương. Có những điều mà tôi thấy rất cảm kích trong lối người tây phương dạy con. Thứ nhất, cha mẹ nói chuyện với con cái, coi con họ là một con người, một cá thể, tôn trọng đứa bé, cho dù chỉ là một đứa bé nhưng đứa trẻ cũng vẫn là một con người, có ý kiến riêng về thế giới và cần được công nhận những ý kiến đó. Trong văn hóa của chúng ta thì không. Điều đó hoàn toàn không được công nhận. Cha mẹ không việc gì phải tôn trọng đứa con. Đó là sự khác biệt văn hóa.

Một điểm nữa mà tôi thán phục văn hóa tây phương là khuyến khích những khía cạnh khác trong việc tiến tới thành công. Học vấn là điều quan trọng nhưng không phải là thước đo duy nhất để định nghĩa tầm mức của thành công. Nếu con cái chúng ta là một nghệ sỹ thành công thì đó cũng là một điều hãnh diện. Nếu đứa bé trở thành một giáo chức dạy giỏi, một ông thợ máy lành nghề, một vũ công, một ca sỹ thì đó cũng là điều hãnh diện cho chúng ta. Nhưng cha mẹ người Việt thường chỉ chú trọng tới khía cạnh học vấn, bằng cấp để đo lường thành công mà thôi.

VOA: Cha ông ngã bệnh, không thể kiếm sống nuôi gia đình, mọi người phải sống trong cảnh nghèo túng, tự ái bị tổn thương, ông rất đau đớn. Còn ông là con bị hành hạ, vừa thể chất lẫn tâm thần và mang vết thương lòng tới bây giờ, so hai nỗi đau, nỗi đau nào cay đắng, chua sót hơn?

Lạc Sử: Hai nỗi đau khác nhau, không nỗi đau nào hơn hay kém. Cha tôi phải chống chỏi với nỗi đau trong cương vị một người chủ gia đình mà bất lực, còn tôi là một đứa con, tôi chịu thống khổ cách khác vì người cha bệnh tật và trầm cảm.

Tác giả còn cho biết vì nỗi đau chưa nguôi đó, đến bây giờ ông vẫn phải đi trị liệu tâm lý, mặc dù chính ông là một chuyên gia gia tâm lý.

Quí vị nghĩ như thế nào về câu chuyện của ông Lạc Sử và về những khác biệt đông tây trong việc dạy dỗ con cái cũng như những dị biệt về văn hóa giữa các cộng đồng Á châu trong xã hội Mỹ hoặc tây phương? Xin quí vị góp ý. Lan Phương chân thành cảm ơn quí vị.