Các bài viết và truyện ngắn của ông thường nói về những khác biệt và hội nhập giữa đông và tây, giữa quốc gia nguồn cội với quốc gia mà ông đã lớn lên ở đó. Cuốn sách mới nhất của ông vừa ra mắt độc giả cách nay vài tháng tựa đề: "East Eats West" bao gồm 21 bài viết về cảm nhận của một người đứng giữa hai nền văn hóa đông tây. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn do Lan Phương thực hiện về cuốn sách vừa được xuất bản này.
VOA: Tại sao cuốn sách lại có tựa đề là "East Eats West"?
Andrew Lâm: "Đông Ăn Tây" rút từ một bài thơ ngày xưa của nhà văn người Anh Rudyard Kipling nói về mối liên hệ giữa đông và tây, đông là đông và tây là tây, chẳng bao giờ hiểu nhau. Nhưng bây giờ tôi muốn chơi chữ, để chứng tỏ rằng đông tây chẳng những hiểu nhau mà còn yêu thương nhau nữa.
VOA: Xin anh nói sơ qua về nội dung cuốn sách.
Andrew Lâm: Cuốn sách đầu tiên mà tôi viết là Perfume Dreams để nói về những đau đớn của người Việt lưu vong phải làm sao trở thành một cộng đồng ở nước Mỹ, kể cả câu chuyện đời tôi. Nhưng cuốn "East Eats West" nói về một văn hóa đã hình thành ở nước Mỹ và người Á châu đã đem đến những biểu hiện đời sống của họ và thay đổi luôn cả văn hóa của miền tây nước Mỹ, từ đồ ăn thức uống tới đạo giáo, kể cả võ thuật, những phim hoạt hình trẻ con xem bây giờ là từ bên Nhật qua, những điều này làm thay đổi văn hóa của người Mỹ.
VOA: Được biết đây là một cuốn tập hợp 21 bài viết của anh, anh có thể nêu một số điểm nổi bật?
Andrew Lâm: Trong đó tôi kể chuyện đạo Cao Đài xuất hiện ở bên Mỹ, võ thuật Kung Fu của người Tàu, người Mỹ không những học võ Tàu mà phim xi nê còn chiếu cảnh những người Mỹ trắng đánh nhau bằng võ lâm, còn phim hoạt họa cho trẻ em xem thì bây giờ chúng lại mê phim hoạt họa của người Nhật hơn là phim Disney của người Mỹ. Về những gì liên hệ tới Việt Nam, các món ăn như phở bây giờ nó bành trướng đến nỗi mà đài TV Mỹ Food Channel Network dạy mọi người nấu phở; người Mỹ trắng bây giờ dùng nước mắm để nấu ăn những món lạ đối với họ. Dân Á châu đến và đem theo văn hóa của họ.
VOA: Anh sống ở vùng San Francisco. Trong cuốn sách anh viết có phản ánh những đặc thù của thành phố này hay không?
Andrew Lâm: Chắc chắn. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống ở San Francisco. Dù là người thiểu số, nhưng thực ra ở San Francisco mình không có cảm tưởng như vậy, bởi vì San Francisco có thể nói là một thành phố của người Á châu. 34, 35% là người Á châu rồi. Muốn ăn uống thì đủ mọi cửa tiệm như Việt Nam, tiệm Tàu, tiệm Ấn Độ. Thành phố quốc tế, đủ mọi sắc tộc, coi như đây là một tiểu thế giới. Người ta nói rằng tại San Francisco có 114 thứ ngôn ngữ được nói. Nên đây được gọi là thành phố của những di dân.
Trên thế giới có rất nhiều thành phố có nhiều di dân nhưng đặc biệt là di dân ở đây thường đến từ bên Á châu, bên kia bờ Thái Bình Dương, nên bạn bè của tôi Mỹ trắng lớn lên ở đây là họ biết dùng đũa, nhiều người còn đi vào chợ mua nước mắm. Đối với họ những thứ này không phải thực phẩm của riêng Á châu mà là đồ ăn của họ nữa. Người Á châu không thể nói thực phẩm đó là của riêng họ được bởi vì đây là một thế giới chung với nhau rồi.
VOA: Cuốn sách tự nó đã nói lên câu chuyện của chính anh rồi. Tuy nhiên anh muốn gửi gấm những gì cho độc giả qua các câu chuyện đó?
Andrew Lâm: Tôi có những câu hỏi mà không tìm ra được giải đáp nên mới viết sách. Lớn lên ở đây mình nửa đông nửa tây, về nhà thì nói tiếng Việt, trong sở thì nói tiếng Mỹ, nên tôi thấy rằng viết văn nối liền được hai thái cực đó. Cái câu hỏi mình là ai từ nhỏ đến lớn vẫn theo đuổi tôi. Có khi cha mẹ nói rằng: "mày cao bồi, mày quá Mỹ". Nhưng khi chơi với người Mỹ thì họ lại nói: "mày exotic quá." Nhiều khi bị cảm tưởng là người ta không hiểu được mình. Bởi vậy nhiều khi cảm thấy là không những xã hội Mỹ tạp chủng mà ngay cả cá nhân cũng thấy là mình tạp chủng nữa. Từ đó mà tôi muốn viết về cá nhân của mình, để tìm tòi xem cái gì của mình là tây, cái gì là đông.
VOA: Theo quan điểm của anh thì cuốn sách đó là một cầu nối hay một sự trộn lộn, hay là một sự hòa nhập giữa phương đông và phương tây?
Andrew Lâm: Cả hai. Tôi thấy có nhiều người qua Mỹ mà họ không chấp nhận cái gì của Mỹ hết. Cả trong gia đình tôi có những người lớn tuổi không nói tiếng Mỹ, không nghe người Mỹ nói chuyện, cái gì của Mỹ cũng chê hết, còn cái gì của người Việt thì đều khen cả. Ngược lại thì có những người thuộc thế hệ trẻ hơn không chịu nói tiếng Việt, không muốn nói gì đến dĩ vãng và lịch sử của mình hết. Tôi thấy hai thái cực đó đều sai, bởi vì cả hai đều đã in hằn trong thâm tâm, trong tiềm thức, mình phải chấp nhận sự thay đổi và cũng phải nhớ đến nguồn cội của mình. Kết hợp cả hai mới là đúng, theo như tôi nghĩ. Cả đông lẫn tây đều phải sống chung với nhau thì mới là một văn hóa thực sự.
VOA: Cuốn sách được độc giả đáp ứng như thế nào?
Andrew Lâm: Tôi thấy có nhiều người họ rất thích và mỗi lần tôi đến các đại học nói chuyện thì nhiều người lên bắt tay và nói rằng rất thích có người viết như vậy vì nhiều khi họ cũng cảm nhận như mình nhưng họ không có được khả năng viết lách để diễn tả những cảm nghĩ. Thành ra cuốn sách như là phương tiện để lên tiếng cho họ nữa.
VOA: Xin cảm ơn anh Andrew Lâm.
Quí vị vừa nghe phỏng vấn nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tác giả cuốn sách tựa đề "East Eats West" vừa xuất bản nói đến sự hội nhập của 2 nền văn hóa đông tây tại Hoa Kỳ.
Andrew Lâm, nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt đã có chỗ đứng vững vàng trong báo giới Hoa Kỳ, cùng gia đình di tản sang Mỹ từ năm 11 tuổi. Lớn lên tại đây ông vẫn duy trì được cả hai nền văn hóa và ngôn ngữ. Ông có nhiều bài viết, truyện ngắn và hiện là tổng biên tập cho trang web của New America Media. Năm 1993 ông đoạt giải thưởng Ký Giả Trẻ Xuất Sắc của Hiệp hội Ký giả Chuyên nghiệp. Năm 2005 ông cho xuất bản cuốn Perfume Dreams, một tuyển tập các bài viết, nói về khó khăn trong việc xác định bản sắc của một người Việt sống trên đất Mỹ. Ông cũng thường xuyên đóng góp cho chương trình All Things Considered của đài phát thanh National Public Radio và được mời diễn thuyết ở nhiều đại học Hoa Kỳ.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1