Ngôi sao môn cricket của Pakistan được tín nhiệm về chính trị

Người hùng môn cricket trở thành chính trị gia Imran Khan (hình lưu trữ)

Cuộc bầu cử quốc gia kế tiếp của Pakistan sẽ xảy ra vào năm 2013, tuy nhiên trong những tuần lễ gần đây một trong những lãnh tụ đảng phái nổi tiếng hy vọng có ảnh hưởng mạnh trong việc thành hình chính phủ kế tiếp của nước này đã gia tăng chiến dịch vận động chính trị. Thông tín viên Ayaz Gul tường trình từ Islamabad.

Sự nổi lên của người hùng môn cricket trước đây, ông Imran Khan là một thách thức nghiêm trọng cho Đảng Nhân dân Pakistan đương quyền và đối thủ từ trước đến nay của đảng là Liên đoàn-N Hồi Giáo Pakistan. Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với hai đảng đã thống trị chính phủ trong những năm gần đây.

Đảng Phong trào vì Công lý hay là Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan đã tổ chức những cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ trên toàn quốc trong những tháng gần đây, càng về sau các cuộc biểu tình càng lớn hơn trước.

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra vào ngày Chủ Nhật tại cảng Karachi miền nam Pakistan đã thu hút hơn 150.000 người, làm tăng tiến hình ảnh của ông Khan như là một chính trị gia được hâm mộ nhất và là một sức mạnh chính trị mới.

Hàng ngàn người vẫy cờ đảng và hoan nghênh nồng nhiệt cựu ngôi sao cricket 59 tuổi khi ông đến nói chuyện trước đám đông.

Ông Imran Khan hứa với đám đông tụ họp là ông sẽ mang đến cuộc cách mạng chống tham nhũng và diệt trừ điều ông gọi là “tham nhũng lớn” trong vòng 90 ngày nếu đảng ông được bầu lên nắm quyền.

Tầm mức của đám đông tại Karachi làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là những đối thủ chính trị của ông, vì thành phố lớn nhất trong nước ít khi thấy những cuộc mít tinh đông đảo đến thế trong những năm gần đây.

Dù có những cuộc tập hợp tạo nhiều ấn tượng mạnh nhưng những người chỉ trích như cựu đại sứ Maleeha Lodhi ngờ vực là liệu ông Khan có chuyển sự hâm mộ ông sang thành công trong cuộc bầu cử hay không.

Ông Maleeha Lodhi nói: “Chính trị bầu cử rất khác với chính trị tụ tập và biểu tình, nhưng tôi nghĩ là việc này đã tạo dựng cho ông Imran Khan thành một khuôn mặt chính trị lớn trên chính trường Pakistan. Và tôi nghĩ một số đông những người trẻ trong cuộc tập họp này cũng cho thấy sự mong muốn thay đổi trong số giới trẻ Pakistan và nhu cầu lãnh đạo của Pakistan để đáp ứng với khao khát thay đổi này.”

Bà Marvi Memon là một cựu thành viên Quốc hội và là người chỉ trích kịch liệt truyền thống lưỡng đảng tại Pakistan. Bà nói hãy còn quá sớm chưa thể nói rằng đảng của ông Khan đe dọa hai đảng này trong việc nắm giữ Quốc hội.

Bà Memon nói: “Đảng đang gặp thách thức mạnh để phải thực sự thay đổi. Chắc chắn đảng đã trở thành một lực lượng chính trị thứ ba trong nước. Tuy nhiên điều đó không đòi hỏi bao nhiêu, không phải là một công việc khó khăn. Điều thực sự khó khăn và thực sự là một thách thức là đưa ra được một sự thay đổi chính trị thực sự.”

Ông Imran Khan gây dựng được hình ảnh của ông trên toàn quốc vào năm 1992 khi ông hướng dẫn đội cricket quốc gia thắng Giải Vô địch Thế giới. Năm 1996, ông thành lập chính đảng của ông, tuy nhiên trong những năm sau đó ông ít thành công trong việc xây dựng thành một đảng với tầm cỡ toàn quốc dù với danh tiếng của ông. Ông là đảng viên duy nhất trong đảng chiếm được một ghế tại Quốc hội.

Tuy nhiên con số người tham dự các cuộc tập họp của ông đông đảo chưa từng thấy trong những tuần lễ gần đây và việc rời bỏ hàng ngũ của một số chính trị gia hàng đầu đã mang đến sự công nhận mới cho đảng của ông.

Những chính trị gia này gồm có 3 cựu bộ trưởng ngoại giao, hai trong số này thuộc đảng đương quyền của Tổng thống Asif Ali Zardari đang gặp khó khăn. Vụ bỏ ngũ mới nhất diễn ra trong tuần qua khi một chính trị gia nổi tiếng, ông Javed Hashmi rời bỏ đảng PML-N của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif để gia nhập đảng PTI của ông Khan.

Những người chỉ trích ông Imran Khan vẫn giữ ý kiến cho rằng dù thu hút được số quần chúng đông đảo, cho tới lúc này ông Khan vẫn chưa đưa ra được một chính sách rõ ràng trong những bài nói chuyện của ông.

Nhà phân tích Maleeha Lodhi tin là ảnh hưởng chính trị của ông Khan sẽ tuỳ thuộc vào việc liệu ông Khan có khả năng tiếp xúc và xây dựng được một tập hợp có uy tín để thuyết phục cử tri là ông sẽ có khả năng giải quyết nền kinh tế đang gặp khó khăn trầm trọng, những vấn đề an ninh và xã hội Pakistan đang đối mặt.

Ông Lodhi nói: “Ông Imran Khan là một khuôn mặt biểu tượng nhưng cho đến nay ông Imran Khan có nhiều người hâm mộ hơn là nhiều người ủng hộ. Do đó ông phải tìm cách chuyển tất cả những người hâm mộ thành những người ủng hộ và những cử tri bỏ lá phiếu cho ông. Hiện nay, chúng ta phải chờ xem ông có đưa ra một chương trình, ông có đưa ra những lập trường rõ rệt về những vấn đề ảnh hưởng đến mọi người hay không.”

Một lập trường ông Khan đã đưa ra là chống lại sự hợp tác với Hoa Kỳ để dẹp các căn cứ của các phần tử chủ chiến tại vùng bộ tộc nhiều dao động thuộc miền tây bắc Pakistan.

Ông đã vận động chống lại việc Pakistan gởi binh sĩ để thực hiện các cuộc hành quân chống các phần tử chủ chiến và là người chỉ trích mạnh mẽ máy bay không người lái của Hoa Kỳ tấn công vào những nơi trú ẩn của các phần tử chủ chiến trên vùng biên giới.

Phát biểu với Đài VOA, ông Khan nói những tai bay vạ gió xảy ra tại vùng này lại có lợi cho những phần tử chủ chiến tại Pakistan cũng như ở bên kia biên giới tại Afghanistan vì những người thuộc các bộ tộc bình thường không nằm trong các tổ chức cực đoan.

Ông Khan nói: “Khi xảy ra những tai bay vạ gió cho thường dân, phe duy nhất được hưởng lợi là những phần tử chủ chiến vì những người mất thân nhân trong các vụ oanh kích trở thành những phần tử chủ chiến hay ủng hộ những phần tử chủ chiến. Do đó, thứ nhất việc này phản tác dụng làm cho các phần tử chủ chiến củng cố thêm lập trường chủ chiến của họ, và thứ hai là những lãnh tụ các bộ tộc nói nếu những cuộc tấn công của máy bay không người lái chấm dứt và những cuộc hành quân của quân đội Pakistan chấm dứt và chúng ta tăng cường sức mạnh cho người dân vùng các bộ tộc thì họ có thể đối phó được với tất cả lực lượng khủng bố.”

Ông Imran Khan nói, thay vì chiến đấu chống lại Taliban phát xuất từ trong nước, chính phủ nên có sáng kiến hoà đàm với những phần tử này. Nói chuyện tại một cuộc tập họp quần chúng tại Karachi, người hùng môn cricket trở thành chính trị gia hứa sẽ giải quyết vấn đề các phần tử chủ chiến nếu ông lên cầm quyền.