Trung Quốc là một trong vài nước công khai bày tỏ sự ủng hộ cho Pakistan khi Osama bin Laden, phần tử khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới, bị phát giác là đã trốn núp tại một thị trấn chỉ cách thủ đô của Pakistan khoảng 120 kilo mét.
Hai tuần sau vụ đột kích của Mỹ giết chết bin Laden, làm cho quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan bị suy sụp, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã đến thăm Bắc Kinh. Lúc đó, nhiều người nêu lên nghi vấn là phải chăng Islamabad đang quay sang Trung Quốc để tìm kiếm sự thay thế cho những mối quan hệ mật thiết về ngoại giao và quân sự mà họ đã có với Washington.
Các nhà phân tích, trong đó có cựu thứ trưởng ngoại giao Inam-ul Haq, bác bỏ những suy đoán như vậy và nói rằng một quốc gia dễ bị thương tổn về kinh tế và chính trị như Pakistan cần phải duy trì và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc trên thế giới. Ông nói thêm như sau:
"Pakistan cũng không thể lợi dụng một cường quốc này để chống lại một cường quốc khác. Thật là vô bổ và ngu xuẩn khi chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm như vậy. Bất kỳ mưu toan nào để thực hiện điều đó đều là thiển cận và phản tác dụng."
Tuy nhiên, quan hệ của Pakistan với Trung Quốc cũng không phải là không có vấn đề. Hạ tuần tháng 7, những người bị nghi là người Uighur đòi ly khai ở vùng Tân Cương của Trung Quốc đã giết chết hơn 20 người trong những vụ tấn công khủng bố.
Những nhóm Hồi giáo cực đoan đặt căn cứ ở Pakistan bị tố cáo là đã huấn luyện cho những phiến quân Uighur, phần lớn là người Hồi giáo, có liên hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, gọi tắt là ETIM, một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Các giới chức chính trị và quân sự hàng đầu của cả hai nước đã cam kết hợp tác chống khủng bố và đã thực hiện những cuộc diễn tập chung cho mục đích này. Tư lệnh quân đội Pakistan, Đại tướng Ashfaq Perez Kayani phát biểu như sau:
"Những phần tử ETIM hoạt động trong vùng biên giới Pakistan và Afghanistan. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhau và chia sẻ thông tin tình báo. Chúng tôi luôn luôn làm hết sức mình để giúp Trung Quốc tiêu diệt mối đe dọa của ETIM và những phần tử cực đoan khác."
Đại tướng Hậu Thụ Sâm, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cũng bày tỏ một lập trường tương tự.
"Chương trình huấn luyện hỗn hợp để chống khủng bố sẽ giúp hai nước chúng ta chống lại những lực lượng khủng bố khu vực và tăng cường sự hợp tác cho hòa bình và an ninh của khu vực."
Những sự bày tỏ công khai về sự gắn bó giữa Pakistan với Trung Quốc tương phản với những sự bất đồng công khai giữa Pakistan và Hoa Kỳ trong năm vừa qua.
Cựu thượng nghị sĩ Muhshahid Hussain là Chủ tịch Viện Pakistan-Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên thúc đẩy cho các mối quan hệ song phương. Ông nói rằng sự hậu thuẫn có tính chất trường kỳ mà Trung Quốc đã dành cho quốc gia Hồi giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân này, bất kể ai là người nắm quyền ở Islamabad, đã làm cho mọi phe phái chính trị ở Pakistan đồng ý với nhau là nên siết chặt các mối quan hệ với Bắc Kinh.
Vấn đề Trung Quốc là một trong 3 vấn đề có sự đồng thuận quốc gia hoàn toàn ở Pakistan. Chương trình hạt nhân, vấn đề Kashmir và quan hệ với Trung Quốc. Tất cả mọi người, bất kể xu hướng chính trị, ai nấy đều có lập trường giống nhau về 3 vấn đề này.
Tuy có sự hậu thuẫn chính trị rộng rãi đối với Trung Quốc như vậy, những người có thái độ hoài nghi nói rằng để có thể tăng cường thêm nữa các mối quan hệ với Trung Quốc, trước hết Pakistan cần phải giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của chính mình trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, và an ninh.
Các giới chức Pakistan đã nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong năm 2011, là năm mà quan hệ giữa quốc gia Nam Á này với Hoa Kỳ có nhiều căng thẳng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1