Chủ tịch nước Việt Nam hy vọng Nhật Bản và các quốc gia khác sẽ nỗ lực giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trả lời hãng tin Kyodo của Nhật cũng như các hãng khác bằng văn bản về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ông Trần Đại Quang nói: “Chúng tôi đề nghị các nước trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, tiếp tục có những đóng góp thiết thực và mang tính xây dựng để duy trì hòa bình và ổn định”.
Ông Quang cho biết các xung đột trong vùng biển tranh chấp không chỉ là mối quan ngại của riêng các quốc gia có liên quan mà còn của các quốc gia khác trên thế giới.
Ông Quang nói: “Các hành động gây mất ổn định, thay đổi hiện trạng, vi phạm luật pháp quốc tế… đã làm suy yếu lòng tin và gia tăng căng thẳng. Nhiều quốc gia khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế cảm thấy không an toàn, nhiều lần lên tiếng thể hiện sự quan ngại sâu sắc”.
Chủ tịch Trần Đại Quang không nêu cụ thể một bên nào trong xung đột ở Biển Đông mặc dù Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, nơi Trung Quốc cũng mạnh mẽ khẳng định chủ quyền.
Trong khi tuyên bố rằng Việt Nam có “đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ông Quang yêu cầu các nước trên thế giới “tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông”.
Ông nói: “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sứct cùng với các quốc gia khác duy trì mục tiêu chung này”.
Viết về mối quan hệ Việt-Nhật, ông Quang bày tỏ hy vọng sự hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực, gọi Nhật Bản là “một trong những đối tác dài hạn quan trọng hàng đầu”.
Ông Trần Đại Quang nói ông hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam, “đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, hỗ trợ công nghiệp, phát triển cở sở hạ tầng”.
Ông Quang đồng thời kêu gọi hợp tác giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai”.
Theo thống kê từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, quốc gia này đã cấp cho Việt Nam 2,4 nghìn tỉ Yên (21,7 tỉ đôla) dưới hình thức cho vay viện trợ từ năm 2010 đến năm 2014, trong khi viện trợ không hoàn lại 143,7 tỉ Yên trong cùng kỳ. Năm 2011 là năm giải ngân nhiều nhất cho cả khoản vay và viện trợ không hoàn lại.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua trước khi tới Nhật, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Ông Obama nói: “Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam đã áp dụng khoảng 50 năm nay. Việc bán vũ khí vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện gắt gao, bao gồm những điều kiện về nhân quyền, nhưng sự thay đổi này bảo đảm là Việt Nam tiếp cận được với các thiết bị cần thiết để tự vệ”.
Phản ứng trước quyết định này của Hoa Kỳ, Trung Quốc cảnh báo ông Obama chớ châm ngòi lửa ở châu Á.
Theo Kyodo, VOA
Your browser doesn’t support HTML5