Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một cách long trọng khác thường so với mức độ của một chuyến thăm cấp nhà nước, một số nhà phân tích xem đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh ngày càng chủ động tấn công nhằm lôi kéo các đồng minh chủ chốt trong Liên minh châu Âu để đối trọng lại Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau đến thăm miền nam Trung Quốc hôm 7/4, nơi ông Macron dự kiến uống trà Tàu với ông Tập tại nơi ở cũ của cha ông ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ và là trung tâm sản xuất lẫn kinh tế của tỉnh Quảng Đông.
Hành động như vậy của ông Tập với các lãnh đạo đến thăm là rất hiếm thấy. Các nhà ngoại giao nói rằng điều đó nhấn mạnh việc Bắc Kinh coi trọng mối quan hệ với một thành viên chủ chốt của EU khi họ tìm kiếm sự ủng hộ ‘sự ngăn chặn, bao vây và trấn áp toàn diện’ của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, theo cách nói của ông Tập.
“Tất cả hành động tiến công về đối ngoại của Trung Quốc đều có nguyên do sâu xa là mối quan hệ Mỹ-Trung... Vì vậy, hợp tác với bất kỳ nước nào, nhất là các cường quốc tầm trung hoặc lớn, như Pháp, là điều họ sẽ cố gắng làm để đối trọng lại Mỹ”, ông Triệu Tuệ Sinh, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc và chính sách đối ngoại của nước này tại Đại học Denver, nói.
Noah Barkin, một nhà phân tích của Rhodium Group, cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc là ngăn chặn châu Âu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ.
“Theo nghĩa này, ông Macron có lẽ là đối tác quan trọng nhất của Bắc Kinh ở châu Âu", ông nói. Ông Macron thường được các nhà ngoại giao coi là động lực quan trọng cho các chính sách chủ chốt trong EU.
Ông Macron đã đến Trung Quốc cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, và cả hai nhà lãnh đạo đều gây áp lực với Trung Quốc về Ukraine, nhưng không khiến ông Tập công khai thay đổi lập trường.
Tuy nhiên, ông Macron vẫn được Trung Quốc chào đón với thảm đỏ và dành đầy đủ các nghi thức.
Bà Von der Leyen, từng nói Trung Quốc ‘đàn áp’ trong bài phát biểu chỉ trích trước chuyến công du cùng ông Macron, đôi lúc bị đối xử như người bị bỏ rơi ở Bắc Kinh, với sự chào đón lặng lẽ tại sân bay và không được mời đến một số nghi lễ cấp nhà nước cùng với ông Tập và ông Macron.
Tờ Hoàn cầu Thời báo viết trong một bài xã luận hôm thứ 6/4 rằng: “Mọi người đều biết rõ rằng trở thành chư hầu chiến lược của Washington là ngõ cụt. Làm cho quan hệ Trung Quốc-Pháp trở thành cầu nối cho hợp tác Trung Quốc-châu Âu có lợi cho cả hai bên và cho thế giới”.
Ông Jean-Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng Pháp đã từng đi tới nhiều nơi ở Trung Quốc, nói với Reuters bên lề lễ ký kết thỏa thuận tại Đại lễ đường Nhân dân rằng chiến dịch lôi kéo của ông Tập đã có tác dụng nào đó.
“Ngoại giao tùy lúc sẽ là tâng bốc một chút, không đúng sao?” ông nói.
Tại Washington, sự gắn kết ngoại giao của Trung Quốc với Pháp đang bị nhìn với một chút dò xét.
Gạt vấn đề Ukraine qua một bên, Trung Quốc đang thoải mái với việc sắp xếp lại quan hệ đưa họ xích lại gần hơn với châu Âu về mặt kinh tế khi quan hệ với Mỹ rạn nứt, nhưng sự thay đổi như vậy khó có thể xảy ra vào lúc này, những người nắm rõ chính sách của chính phủ Mỹ cho biết.
Washington đang chờ xem sự can dự của châu Âu với Bắc Kinh về vấn đề Ukraine có kết quả gì không, theo những người không muốn nêu tên nói với Reuters. Hôm 6/4, ông Macron đã kêu gọi Bắc Kinh nói chuyện có lý có tình với Nga về cuộc chiến ở Ukraine trong khi bà von der Leyen cho biết ông Tập bày tỏ sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Ông Tập không nhắc đến việc có thể nói chuyện với ông Zelenskiy trong các bản tin chính thức của Trung Quốc đưa tin về những phát biểu của ông sau các cuộc gặp.
Ông Barkin nhận định dường như ông Macron không nhận được nhiều lợi ích từ chuyến công du này.
“Ông Macron dường như tin rằng ông ấy có thể lôi kéo ông Tập thay đổi lập trường về cuộc chiến”, nhà phân tích này nói. “Ông ấy đem đến cho ông Tập một loạt món quà – lên án việc cắt đứt với Trung Quốc là cái bẫy, đem theo một phái đoàn kinh doanh khổng lồ và tái khẳng định sự ủng hộ đối với quyền tự chủ chiến lược - mà không nhận lại được gì nhiều”.