Change We Need chuyển thành Occupy Wall Street

Change We Need chuyển thành Occupy Wall Street

Năm 2008 là năm cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ gia tốc mạnh mẽ nhất. Năm 2008 cũng là năm Tổng thống Obama – khi đó còn là ứng cử viên chức tổng thống – tạo ra được một động năng đổi mới trên khắp nước Mỹ với khẩu hiệu “Change We Need” để lật đổ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng Hòa cả trong chính phủ lẫn trong bộ máy lập pháp.

Trong kế hoạch tranh cử của mình, ông Obama đề ra nhiều kế hoạch thay đổi lớn để đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng và nhiều người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông – khi đó còn là một ứng cử viên hầu như không có kinh nghiệm gì nhiều trong ngành hành pháp – vì hi vọng vào những thay đổi mà ông hứa hẹn.

Sau 3 năm, nước Mỹ và cả thế giới vẫn tiếp tục chìm đắm trong khủng hoảng. Thất nghiệp ở Mỹ vẫn trên mức 9%. Thị trường nhà đất và chứng khoán vẫn tiếp tục đình trệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tiếp tục khó khăn. Những “tội đồ” trong giới tài chính được coi là đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay vẫn có cuộc sống vương giả. Nhiều người thất vọng về ông Obama, và đặc biệt thất vọng về khả năng tự đổi mới của hệ thống chính trị Mỹ.

Trong bối cảnh đó, phong trào Occupy Wall Street (Chiếm Phố Wall - OWS) xuất hiện. Khác với Change We Need là phong trào do một cá nhân dẫn dắt và đặt tất cả hi vọng cũng như năng lực thực hiện vào một cá nhân là ông Obama, OWS là một phong trào của công chúng, và hoàn toàn không có lãnh đạo.

Theo trang web của OWS, bắt đầu từ ngày 17 tháng 9 năm 2011 tại Quảng trường Tự do, thuộc Trung tâm Tài chính Manhattan, OWS hiện đã lan ra hơn 100 thành phố ở Mỹ và hơn 1500 thành phố ở các nước khác. Mục tiêu của OWS là đấu tranh chống lại quyền lực gây xói mòn (corrosive power) của các đại ngân hàng và các công ty đa quốc gia đối với quá trình dân chủ và vai trò của Wall Street trong việc gây sụp đổ kinh tế mà kết quả của nó là cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất từ nhiều thế hệ. Lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Tunisia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, và Anh, OWS hướng tới việc lật tẩy việc 1% những người giàu nhất đang viết ra các luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu và áp đặt một lịch trình chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) và bất bình đẳng kinh tế (economic inequality) khiến tưong lai của chúng ta,99% còn lại, bị tước đoạt.

OWS đang được ngày càng thêm nhiều người ủng hộ, từ các trí thức lớn như Paul Krugman tới các nhà hoạt động lão luyện như Lech Walesa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP, ông Walesa cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm người ta nhận ra rằng “chúng ta cần phải thay đổi, cải cách chế độ tư bản” vì chúng ta cần “nhiều công lý hơn, nhiều lợi ích của công chúng hơn, và ít tiền chỉ vì tiền hơn.” Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng khi chủ nghĩa tư bản làm ra rất nhiều tiền mà không biết phải làm gì với nó. Tiền phải được đầu tư vào tạo công ăn việc làm” vì “con người là cái quan trọng nhất”. Ông cho rằng “hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang làm cái việc là tạo ra nhiều tiền hơn, nhưng không thấy được con người. Vấn đề này đang ngày càng trở nên tệ hại hơn trên khắp thế giới.”

Paul Krugman cũng viết nhiều về OWS. Trong bài viết ngắn mới nhất về OWS trên Blog của mình với tựa đề “Hi vọng”, Krugman trích dẫn lại đoạn viết trước đây của ông trong cuốn The Great Unraveling: “Tôi hình dung ra một viễn cảnh – có thể chỉ là một hi vọng – về một cú shock lớn về nhận thức: một khoảnh khắc khi người Mỹ nhìn thẳng vào những việc đang diễn ra và nhận ra rằng lòng tốt và tinh thần yêu nước của họ đã bị lạm dụng như thế nào, và sẽ hành động để chặn đứng xu thế đang phá hoại gần như tất cả những gì là tốt đẹp nhất của đất nước này”. Ông cho rằng “một số trong chúng ta nghĩ rằng năm 2008 phải là thời điểm như vậy, và chúng ta đã thất vọng. Nhưng tiềm năng thì vẫn còn đó”

Điểm cách mạng của OWS cũng là điểm khiến phong trào này có vẻ như không có chương trình hành động rõ ràng, là ở chỗ nó cố gắng tạo ra một cơ chế hoàn toàn dân chủ để tất cả mọi người có thể tự do đưa ra các sáng kiến và thuyết phục mọi người thực thi sáng kiến của mình. Mô hình mà OWS triển khai là các Đại hội Đồng (General Assembly), thí dụ Đại hội Đồng của thành phố New York (NYC General Assembly).

Theo tài liệu giới thiệu về Đại hội Đồng (ĐHĐ) này, ĐHĐ là một cuộc họp của những người có cam kết với việc ra quyết định dựa trên sự đồng ý tập thể hoặc “đồng thuận”. Không có cá nhân hoặc bộ máy lãnh đạo của ĐHĐ – tất cả mọi người đều bình đẳng. Tất cả mọi người đều tự do đề xuất ý tưởng hoặc đưa ra ý kiến trong ĐHĐ. Mỗi đề xuất đều dùng chung một format cơ bản – một cá nhân trình bày ý tưởng được đề xuất, lý do đề xuất, và nếu có đủ sự ủng hộ, thì làm thế nào để triển khai”.

Phong trào này liệu có đưa ra được những giải pháp cách mạng và phương pháp để triển khai các giải pháp này hay không thì vẫn còn là một ẩn số. Trước mắt, có vẻ như nó đang thành công trong việc tạo ra những áp lực chính trị cần thiết để những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước phải tính đến những đổi mới cần thiết trong hệ thống tài chính và kinh tế của thế giới.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.