Đường dẫn truy cập

Các cuộc biểu tình làm nổi bật khoảng cách giàu nghèo


Những người biểu tình thuộc phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street trương biểu ngữ ngay tại trung tâm thành phố New York, 12/12/2011
Những người biểu tình thuộc phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street trương biểu ngữ ngay tại trung tâm thành phố New York, 12/12/2011

Khoảng cách biệt về thu nhập ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo là một trong những lý do dẫn đến các cuộc biểu tình thuộc phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street, bắt đầu ở thành phố New York rồi lan khắp nước Mỹ và các nước khác trong năm 2011.

Các cuộc nghiên cứu đều khẳng định rằng khoảng cách thu nhập ngày càng tăng, nhưng đáng buồn là các ý kiến để giảm bớt khoàng cách này càng cách biệt nhiều hơn nữa.

Những người hoạt động xã hội trong hàng trăm thành phố trên thế giới phản đối tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và nạn thất nghiệp.

Họ nói rằng các ngân hàng gặp khó khăn thì nhận được cứu trợ của người nộp thuế, trong khi những người bình thường gặp vấn đề tài chính có thể bị tịch thu nhà.

Phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chính là do các ngân hàng và các thị trường chứng khoán như Wall Street, họ nói rằng thành phần giàu chiếm 1% dân số có quá nhiều tiền và đang lợi dụng thành phần nghèo chiếm 99% dân số, nhóm 1% này mua quyền lực chính trị để ngăn chặn các loại thuế đánh vào người giàu và cắt giảm các dịch vụ xã hội cho người nghèo.

Phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street đòi hỏi một xã hội công bằng hơn bằng cách đánh thêm thuế vào người giàu có và cần điều tiết doanh nghiệp nhiều hơn.

Nhưng ông Peter Wallison, chuyên viên của American Enterprise Institute, cho biết giữ cho mức thuế thấp hơn và bớt điều tiết doanh nghiệp mới giúp nền kinh tế tăng trưởng.

Ông nói sự tăng trưởng của các công ty công nghệ cao như Apple cho thấy chính quyền không nên chen vào công việc của những doanh nhân như Steve Jobs.

Ông Wallison nói sự bất bình đẳng về thu nhập ít quan trọng hơn khả năng làm giàu, vốn là điều thúc đẩy các doanh nhân chấp nhận rủi ro và tạo ra sản phẩm:

"Nhiều người giàu xuất thân từ những hoàn cảnh rất nghèo, Steve Jobs là một ví dụ tuyệt vời về điều đó, ông ta đã trở thành một người rất giàu có bởi vì ông có thể thi thố tài năng trong một xã hội rất linh hoạt như xã hội của chúng ta."

Nhưng ông John Cavanagh của Institute for Policy Studies nói rằng tỷ lệ thất nghiệp cao làm cho những câu chuyện tay trắng làm nên sự nghiệp rất khó xảy ra:

"Lý do tại sao phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street gây tiếng vang, và được phổ biến như vậy, là vì họ là bằng chứng sống động cho thấy những câu chuyện tay trắng làm nên sự nghiệp không còn đúng nữa.”

Văn phòng thống kê của Quốc hội Mỹ nói rằng thành phần giàu nhất của nước Mỹ có thu nhập tăng 275% trong vòng ba thập kỷ qua, trong khi những người nghèo nhất chỉ tăng 18%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho thấy người giàu của xã hội Mỹ có thu nhập gấp 14 lần thu nhập của những người nghèo nhất.

Tổng thư ký OECD Angel Gurria nói rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề:

"Hậu quả xã hội đang bắt đầu nhận ra ở nhiều quốc gia. Tại nhiều quốc gia, nhiều người cảm thấy bất an, lo sợ bị gạt ra ngoài lề. Nhiều người cảm thấy rằng họ là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng không do họ gây ra, trong khi những người thu nhập cao thì lại thoát."

Những người biểu tình nói rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình bao lâu mà các vấn đề kinh tế gây ra biểu tình, chẳng hạn như thất nghiệp, vẫn chưa được giải quyết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG