Tình hình dịch Covid-19 ở Nga ‘hiện đã ổn định’ nhưng họ đang chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ hai vào mùa thu, một người Việt ở Nga cho biết và cho rằng Nga đã có thái độ chủ quan trước dịch bệnh cho nên mới bị nặng như vậy.
Nga hiện là nước có số ca nhiễm virus corona nhiều thứ tư thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tính đến ngày 10/9, Nga ghi nhận hơn 1.046.000 ca nhiễm với 18.000 ca tử vong – thấp hơn nhiều so với ba nước đang dẫn đầu.
‘Thiếu bác sĩ, y tá’
Thủ đô Moscow từ ngày 23/8 đã dỡ bỏ các giới hạn sau hai tháng phong tỏa, người dân Nga hiện vẫn được yêu cầu giữ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cô Lê Minh Châu, một người Việt sinh ra ở Nga đang học cao học y khoa và làm việc trong các bệnh viện ở thủ đô cho VOA biết.
Khó khăn lớn nhất trong chống dịch ở Nga, theo cô Châu, là rất thiếu y bác sĩ do số ca nhiễm quá đông.
“Một y tá mà phải chăm sóc đến 7, 8 bệnh nhân nên làm không xuể,” cô dẫn chứng và cho biết các bệnh viện mà cô đang làm việc đang chuẩn bị cho đợt bùng phát mới dự kiến sẽ xảy ra vào mùa thu.
Do thiếu bác sĩ và giường bệnh, chỉ những bệnh nhân rất nặng mới được nhập viện còn người bệnh nhẹ thì được bảo ở nhà, được cho đơn thuốc cũng như được gọi điện thăm chừng. Người có triệu chứng rõ ràng mới được xét nghiệm miễn phí, còn người dân Nga muốn được xét nghiệm thì phải trả tiền, theo lời nghiên cứu sinh này.
Những ai có bảo hiểm thì có thể được bảo hiểm chi trả cho thời gian nằm viện tới 21 ngày, sau đó thì phải tự chi trả, cô Châu cho biết.
“Còn ai không có bảo hiểm thì tự đi khám cũng không đắt lắm. Trong trường hợp phải nằm viện thì được miễn viện phí, xét nghiệm, thuốc men, ăn uống cho đến 7 ngày,” cô nói thêm.
Cô Lê Minh Châu cũng làm công việc giúp giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở Nga về Covid-19. Cô cho biết trong cộng đồng người Việt đã có nhiều người nhiễm virus corona và cũng đã có người Việt tử vong.
“Có mấy lần người Việt mua được khẩu trang, hay nhập được khẩu trang rồi đi chia cho các bác sĩ Nga và cả người Việt không mua được khẩu trang,” cô cho biết về sự tương trợ lẫn nhau của người Việt ở Nga.
‘Chỉ nghĩ là cúm thường’
Về hình thức hỗ trợ của Chính phủ Nga, cô Châu nói những ai phải nghỉ việc ở nhà vì dịch bệnh sẽ được Chính phủ trợ cấp 12.000 rúp (khoảng 160 đô la Mỹ) một tháng thông qua công ty, và nếu có con nhỏ sẽ được hỗ trợ thêm từ 5 đến 8 ngàn rúp nữa.
“Ngoài ra họ còn được miễn thuế nữa,” cô nói. “Tất nhiên đây là số tiền rất ít, không đủ chi dùng trong một tháng.”
Về lý do dịch bùng phát mạnh mẽ ở Nga, cô Châu nhận định: “Họ rất là chủ quan. Tại vì bên châu Á bị dịch trước, lúc đấy chính phủ Nga bảo là không sao đâu, nó không liên quan đến nước mình, rồi thì cái bệnh đấy chỉ là cảm cúm, ốm xong rồi sẽ hết nên không ai sợ hết. Ai cũng ra đường vui chơi các kiểu.”
Theo nhận xét của nghiên cứu sinh đang công tác trong các bệnh viện ở thủ đô Moscow, Nga không chống dịch quyết liệt như Việt Nam, chẳng hạn như ai từ nước ngoài vào ‘không bị cách ly 14 ngày mà có thể đi thẳng về nhà’.
Trong tình hình hiện nay khi số ca bệnh quá nhiều thì Nga cũng kiểm soát không xuể. Bằng chứng là trước đây nếu có một người nhiễm bệnh thì cả khu nhà sẽ được xét nghiệm nhưng bây giờ chỉ kiểm tra những người trong cùng gia đình mà thôi, cô nói thêm.
Mới đây, Nga phê chuẩn vaccine Sputnik V ngừa virus corona và tuyên bố sắp tiêm chủng đại trà bất chấp quan ngại của giới khoa học quốc tế.
Nghiên cứu sinh Lê Minh Châu ở Nga cho rằng ‘việc tiêm vaccine hết cho dân khi chưa được thử nghiệm đầy đủ là không đúng’ vì vaccine có nhiều tác dụng phụ khó lường.