Tổng thống Vladimir Putin ‘đem danh dự của đất nước’ đặt cược vào vaccine Covid-19 nên ‘chắc chắn không thể làm bừa’, một chuyên gia Việt Nam hiện đang làm việc ở Nga nói với VOA và kêu gọi những người chỉ trích vaccine Nga chờ đợi ‘thời gian sẽ trả lời’.
Hồi tháng trước, Tổng thống Putin loan báo Nga đã phê chuẩn vaccine ngừa virus corona có tên là Sputnik V và sẽ sớm cho triển khai tiêm chủng cho toàn dân ở quy mô đại trà ngay tháng 10.
Tuyên bố này khơi mào những hoài nghi và chỉ trích từ cộng đồng khoa học thế giới, nhất là ở các nước phương Tây. Họ cho rằng phía Nga đã vội vã và liều lĩnh đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn cần thiết, không đưa ra những dữ liệu thử nghiệm rõ ràng và đặt toan tính chính trị lên trên sức khoẻ của con người.
Trong lúc này, Nga vừa bắt đầu cho thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 40.000 người tình nguyện, tức tương đương với thử nghiệm giai đoạn 3 ở quy mô lớn. Thử nghiệm này chủ yếu tiến hành trên những nhóm có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.
‘Làm gối chồng’
Từ Tambov, thành phố cách thủ đô Moscow hơn 460 km về phía Nam, bác sĩ Vũ Quang Hưng hiện đang công tác ở một trung tâm nghiên cứu và làm việc cho một bệnh viện địa phương, nói với VOA rằng chỉ trích của các nước phương Tây ‘có màu sắc chính trị’.
“Phải coi xem sau khi dùng vaccine thì có bùng phát đợt sóng mới hay không thì mới có thể kết luận được,” bác sĩ Hưng nói.
Nghiên cứu sinh này cho rằng cách làm của Nga là ‘gối chồng lên nhau,’ ‘chưa xong giai đoạn 1 đã triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 và trong quá trình làm giai đoạn 2 sẽ theo dõi và kết luận giai đoạn 1.’
Theo lời ông thì việc nghiên cứu vaccine Covid-19 của Nga ‘không phải là mới’ mà là ‘tiếp nối những công trình đã thực hiện liên tục từ cách nay 30 năm’.
“May là con virus này trùng hợp với những gì họ đã nghiên cứu trong thời gian dài nên họ ra vaccine được sớm hơn các nước khác,” ông lập luận.
Ông cũng không cho rằng ông Putin ‘vội vàng một cách ngây thơ’: “Ông ấy đem cả danh dự nước Nga ra đánh cược thì không phải chuyện nhỏ. Phải chắc phần thắng cao thì ông ấy mới làm.”
‘Trường hợp đặc biệt’
Nghiên cứu sinh Vũ Quang Hưng cũng phản bác lại quan điểm cho rằng nước Nga ‘đốt cháy giai đoạn’ trong việc nghiên cứu vaccine cho virus corona. “Trường hợp đặc biệt cần phải được giải quyết một cách đặc biệt chứ không phải máy móc,” ông lập luận.
‘Trường hợp đặc biệt,’ theo lời ông, là đại dịch đang lan rộng nên ‘không thể tuân theo quy trình như trước’ vốn mất nhiều thời gian, và hiện giờ Nga vẫn đang thử nghiệm giai đoạn ba ở quy mô lớn mặc dù tuyên bố là vaccine đã thành công.
Do đó, việc Nga nói đã thành công với vaccine không ‘đem lại cảm giác nhẹ nhõm gì cả’, ông nói, vì nước Nga ‘vẫn đang trong trạng thái chờ đợi’.
Theo nghiên cứu sinh này, ‘phải chờ một năm’ sau khi vaccine được tiêm rộng rãi thì mới xác định được vaccine có hiệu quả và có gây biến chứng hay không.
Đáp câu hỏi bản thân ông có muốn được tiêm vaccine Sputnik V hay không, bác sĩ Hưng nói ‘vẫn đắn đo về tác dụng phụ của thuốc’ và vùng ông ở ‘hiện đang kiểm soát dịch rất tốt’ nên ông ‘không có nhu cầu.’
Tuy nhiên, ông cho rằng các bác sĩ tuyến đầu ‘phải tiêm ngừa’. “Tôi có những người bạn làm việc trên tuyến đầu ở Moscow hầu như là ai cũng bị nhiễm, tỷ lệ rất cao,” ông nói thêm.
Vốn cũng là một trong các bác sĩ trực đường dây nóng cho người Việt ở Nga gọi vào để được tư vấn về Covid-19, nghiên cứu sinh Vũ Quang Hưng cho biết chưa thấy có người nào gọi vào hỏi thăm về việc tiêm vaccine Sputnik V cả.
Việt Nam nên mua?
Về tranh cãi liệu Việt Nam có nên mua vaccine của Nga hay chờ đến khi phương Tây có vaccine, bác sĩ Hưng cho rằng ‘Việt Nam không nên chờ đợi nhiều, trong quá trình sắp tới nếu vaccine của Nga chứng tỏ có hiệu quả tốt thì mình sử dụng thôi.’
“Thật ra Nga cũng là một nước có nền khoa học cơ bản rất tốt và một trong những cái tốt đó là sản xuất vaccine,” ông nói.
AFP dẫn lời ông Thomas Bollyky, giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, cảnh báo vaccine không được thử nghiệm đầy đủ có thể gây nhiều tai hại, từ ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cho đến tạo cảm giác an toàn giả, hay làm mất niềm tin vào vaccine.
Nếu vaccine không tốt được tiêm cho các nhân viên y tế sẽ gây tác hại khủng khiếp, Giáo sư Lawrence Gostin của Đại học Georgetown, Mỹ, nói với AFP.
“Sẽ ra sao nếu vaccine giết chết họ hoặc khiến họ bị bệnh?” Giáo sư Gostin đặt vấn đề.
Theo lời chuyên gia này thì nhiều người trên thế giới ‘không quan tâm đến đạo đức mà chỉ muốn có vaccine’.