Các đại biểu của Ðảng Cộng hòa và những người lâu nay vẫn chống thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, giờ đây lại hối thúc chính quyền của ông Trump hãy củng cố thay vì huỷ bỏ thỏa thuận với Iran, mà ông Trump từng miêu tả là “thỏa thuận tồi nhất trong lịch sử.”
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump không ngần ngại đả kích thành tựu quan trọng có tính đột phá về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Ông Trump nói: "Chưa bao giờ trong đời tôi chứng kiến một thoả thuận nào kém cỏi như thỏa thuận hạt nhân của chúng ta với Iran. Chưa từng thấy."
Đó là quan điểm mà ông Trump thường xuyên hô hào trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng giờ đây ngay cả những người chống đối cũng đang lo ngại bãi bỏ thỏa thuận này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.
Về mặt pháp lý, Mỹ có thể đơn thuần rút khỏi một thỏa thuận quốc tế không mang tính ràng buộc.
Cựu luật sư của Bộ Ngoại giao, ông Edward Swaine nói với VOA: "Sẽ không có trách nhiệm pháp lý nào nếu Mỹ thay đổi quan điểm về thỏa thuận này."
Nhưng các hậu quả về chính sách của quyết định này sẽ vô cùng lớn. Không những quyết định đó sẽ gây phẫn nộ cho các bên khác ký kết thỏa thuận, trong đó có các đồng minh châu Âu của Mỹ đang nóng lòng mở rộng quan hệ với Iran, mà nó còn dồn ép Iran tái tục chương trình hạt nhân. Những người trước đó chống đối thỏa thuận hạt nhân với Iran, giờ đang nỗ lực để thúc ép ông Trump duy trì thỏa thuận này.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định: "Theo tôi, những người có trách nhiệm trong Quốc hội, ở cả hai đảng, sẽ nhận thấy rằng từ quan điểm của Mỹ, thỏa thuận này đáng ra phải hữu hiệu hơn, nhưng ngay vào thời điểm này nếu phá bỏ nó thì không phải là một ý tưởng hay cho bằng nghiêm khắc thực thi những điều khoản của nó."
Các đại biểu Ðảng Cộng hòa ở Quốc hội đã không ngăn được thỏa thuận này hồi năm ngoái giờ đang hối thúc việc áp dụng những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn với Iran với mục đích tăng lực cho chính quyền của ông Trump trong bất cứ cuộc tái thương thuyết nào với Iran trong tương lai.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nói tiếp: "Tôi đoán rằng điều mà chính quyền mới sẽ làm là sẽ thực thi thỏa thuận này một cách nghiêm khắc, buộc Iran phải tuân thủ thỏa thuận đầy đủ, nhưng không phá bỏ thỏa thuận bởi vì theo tôi thì điều đó không đáp ứng lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ."
Bất chấp đã kịch liệt đả kích thỏa thuận này, ông Trump chưa đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận này. Các chuyên gia nói rằng chiến thuật đó sẽ cho ông thời gian mà ông cần có để duy trì thỏa thuận trong lúc tìm những biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran.